Linh Phi Kinh

Chương 3: Đông Đảo Tam Tôn

/26


Nhạc Chi Dương tiu ngỉu trở về phòng, trong lòng ngập tràn hình ảnh lúc chia tay Chu Vi ban nãy. Gã đối với chuyện tình cảm nam nữ chỉ hiểu biết lờ mờ, đôi mắt ngần ngận nước của thiếu nữ hệt như một dấu ấn khó phai in đậm trong tâm trí. Nghĩ đến cảnh sau khi xuất cung sẽ không còn gặp lại Chu Vi nữa, gã chợt có cảm giác hụt hẫng to lớn, cứ thế lặng lẽ ngồi bên mép giường mãi cho đến khi tiếng gà râm ran báo sáng.

Ngày hôm sau, Chu Vi không còn cho người đến triệu kiến Nhạc Chi Dương nữa. Cô nép mình trong tẩm điện chẳng hề ló chân ra khỏi cửa nửa bước, thi thoảng ở đó có tiếng đàn dìu dặt phát ra, âm điệu du dương trầm bổng. Nhạc Chi Dương tập trung lắng nghe, cảm giác như trong tiếng đàn có trăm mối nghìn tơ muốn níu giữ lấy gã. Đang muốn nổi sáo hòa nhịp, thế nhưng khi gã rút sáo ra lại chợt nhớ đến thân sáo giờ đây đã rạn nứt chẳng thể véo von được nữa. Gã rầu rĩ ngập lòng, chẳng có cách nào bày tỏ, hận không thể phá cửa xông vào trong mà nói với Chu Vi rằng, bất kể Thạch Ngư hay chuyện sống chết gã đều mặc xác, chỉ cần một lời nói của cô, gã sẽ ở lại trong cung, ngày ngày cùng cô gảy đàn thổi sáo sống hết kiếp này.

Nghĩ đến đây chợt có cảm giác nhói buốt đằng ngực, Nhạc Chi Dương bừng tỉnh nhớ đến lời nói của Lãnh Huyền, sắp đến thời điểm thần châm phác tác, tính mạng của gã cũng chẳng còn kéo dài được lâu, đừng nói đến chuyện răng long đầu bạc, ngay cả có thể sống đến ngày mai hay không cũng là việc chưa thể đoan chắc.

Gã ủ rũ nằm vật xuống giường, đầu hồi tưởng lại từng cuộc chạm trán trong mấy ngày qua, cảm giác như bản thân đang chìm trong một giấc mộng dài.

Ăn cơm trưa xong thì Chu Vi chợt đòi gặp mặt, Nhạc Chi Dương phấn chấn tinh thần vội vã đi đến tẩm điện. Còn chưa bước vào cửa, một mùi hương lạ đã bay xộc vào mũi, gã ghé mắt nhìn ra, trong làn khói sương lượn lờ, tiểu công chúa đang chấp tay quỳ xuống phía trước một bàn hương án, trên bàn có thờ một tượng quan âm bằng ngọc trắng, vẻ mặt hiền từ, y phục ra dáng bay chấp chới. Hai mắt Chu Vi khép hờ, gương mặt nhợt nhạt như được tượng ngọc soi chiếu lấp lánh.

Nhạc Chi Dương ngắm nhìn thiếu nữ đến mức quên cả thở, đến khi gã giật mình choàng tỉnh thì chúng cung nữ đã lặng lẽ rút lui cả rồi.

Chu Vi thở hắt ra một hơi, đứng lên rồi quay đầu lại. Một đêm xa cách, sắc mặt của cô đã tiều tụy đi không ít, đôi tròng mắt ảm đạm thiếu sức sống toát ra vẻ mông lung mờ mịt. Nhịp tim Nhạc Chi Dương lập tức đập dồn, trên người xốn xang như có một mồi lửa thiêu đốt, vốn định bước đến trước hai bước nhưng có lẽ vì mùi khói hương nên thân thể gã cứ mềm oặt chẳng gượng được chút sức nào.

Hai người lặng nhìn nhau thật lâu, Chu Vi trỏ vào tấm đệm bên cạnh trác đàn, bảo:

- Ngồi xuống đi!

Nhạc Chi Dương ậm ừ trong miệng rồi hậm hực ngồi xuống. Gã liếc mắt trộm nhìn thiếu nữ, vẻ mặt Chu Vi lạnh nhạt thờ ơ không thể đoán được tâm tư trong lòng.

Tiểu công chúa cũng ngồi xuống, tựa người vào một bên Phi Bộc Liên Châu, ngón tay chạm trên tơ đàn, ánh mắt cứ ngây phỗng nhìn lên trần nhà.

Nhạc Chi Dương ho khan hai tiếng, thấp giọng nói:

- Công chúa, ta ... Ta...

Chẳng hiểu sao gã vốn đã chuẩn bị câu chữ đàng hoàng nhưng giờ phút này một từ cũng không thốt ra được.

- Ống sáo của ngươi đâu? - Chu Vi chợt cất tiếng hỏi.

Nhạc Chi Dương rút sáo ra, thiếu nữ cầm lấy lướt mắt quan sát rồi khẽ giọng:

- Đúng là đã hỏng thật rồi!

Hóa ra, lúc Nhạc Chi Dương thổi lên vài tiếng vào hôm qua, Chu Vi vốn là người sành âm luật, chỉ cần nghe thoáng là biết ống sáo đã bị hư hại. Nàng khẽ khàng vuốt ve thân sáo, lặng im hồi lâu mới rút ra một chiếc hộp gỗ tử đàn dài ở bên người, đẩy nhẹ đến trước mặt Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương nhận lấy hộp gỗ, chẳng hiểu đầu cua tai nheo, chỉ nghe Chu Vi giục:

- Ngươi mở ra mà xem!

Nhạc Chi Dương hé mở nắp hộp, trên tấm vải lót sa-tanh màu vàng tươi có đặt một thanh sáo dài bằng phỉ thúy. Thường thường, ống sáo thông dụng chỉ dài một thước tám tấc còn ống sáo này dài phải đến hơn hai thước, điêu khắc hoàn toàn từ nguyên khối phỉ thúy, tay nghề hết sức tinh xảo, cả trong lẫn ngoài đều bóng loáng, thân sáo lấp lánh sắc xanh biếc trông chẳng khác nào một dòng nước thu. Phần đuôi sáo có chạm trổ hai chữ Triện thanh thoát được mạ vàng, nét chữ mảnh mai mà sắc sảo, ở bên cạnh còn có ghi một hàng cổ Triện nhỏ li ti. Nhạc Chi Dương đọc hoài không ra, chân mày khẽ chau lại.

- Hai chữ lớn ấy đọc là "Không Bích", còn hàng chữ nhỏ ghi là "Thạch Quý Luân đắc Thương Ngô Huyền phủ."(*) - Giọng nói của Chu Vi vang lên hết sức điềm đạm: - Thanh sáo ngọc phỉ thúy này vốn được Thạch Sùng đời Tống tặng cho ái thiếp của mình là Lục Châu. Lục Châu dung mạo sẵn kiều diễm, tài thổi sáo lại tuyệt diệu vô song khiến cho Thạch Sùng yêu chiều nàng hết mực. Về sau, Xa Kỵ tướng quân Tôn Tú đến phủ họ Thạch làm khách cũng say mê nàng Lục Châu như điếu đổ, y bèn phái sứ giả đến thỉnh cầu Thạch Sùng ban tặng Lục Châu cho y.

(ND chú: nghĩa là “thanh sáo này do Thạch Quý Luân - tên hiệu của Thạch Sùng, có được ở vùng Thương Ngô Huyền - Quảng Tây ngày nay”, câu chuyện Chu Vi đang kể là 1 câu chuyện có thật trong lịch sử.)

Nhạc Chi Dương nghe thấy không vui, nhủ bụng: "Nhà quyền quý bọn cô sao cứ hay mang người ta ra tặng tới tặng lui thế? Hừ, bộ tưởng hay ho lắm sao?"

Chu Vi không nhận ra sắc mặt của gã, vẫn kể tiếp:

- Thạch Sùng sau khi nghe lời sứ giả liền tập hợp toàn bộ người đẹp trong phủ lại, bảo rằng: "Đây là giai nhân trong phủ của ta, xin tùy ngài chọn ra một người!"

- Sứ giả của Tôn Tú nói: "Ta vâng lệnh phải mang Lục Châu trở về, trong số này ai là Lục Châu?"

- Ngờ đâu Thạch Sùng nghe xong thì cả giận quát lớn: "Lục Châu là tỳ nữ yêu dấu nhất của ta, tuyệt đối không tặng cho ai cả!" Khi ấy Tôn Tú cấu kết với Triệu Vương - Tư Mã Luân, quyền hành khuấy đảo khắp cả triều chính lẫn dân gian, nghe được lời ấy thì nổi trận lôi đình bèn đưa lời sàm tấu lên Tư Mã Luân, nói rằng Thạch Sùng mưu phản cần phải diệt trừ. Tư Mã Luân nghe lời sai đội binh giáp bao vây lấy phủ Thạch Sùng. Lúc đó Thạch Sùng đang thết đãi quan khách trên lầu, trông thấy Tôn Tú dẫn binh lính phá cửa xông vào, lập tức hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hắn thê lương nhìn Lục Châu, thở dài tuyệt vọng: "Lục Châu ơi Lục Châu, hôm nay ta nhà tan cửa nát đều là do nàng cả!"

- Lục Châu nghe xong buồn tủi vô hạn, nước mắt ngắn dài: "Lục Châu bất tài, xin nguyện được chết trước mặt đại nhân!"

- Nói rồi không đợi cho Thạch Sùng kịp trở tay, nàng giắt theo thanh sáo Không Bích rồi gieo mình khỏi tòa lầu cao mấy trượng, ngã xuống chết ngay trước mặt Tôn Tú.

Nhạc Chi Dương nghe mà thầm giật mình, theo ý thức miết lấy thân sáo, chỉ thấy da tay truyền lên cảm giác rét buốt, mềm mịn sống động, giữa sắc xanh lành lạnh như có ánh sáng lấp lánh, thoảng như linh hồn Lục Châu vẫn chưa tiêu tán mà còn lẩn khuất trong thanh sáo này. Gã tò mò hỏi:

- Về sau thế nào?

Chu Vi cười buồn: "Về sau Thạch Sùng bị tịch biên tài sản, họ tộc chết sạch, toàn bộ già trẻ lớn bé trong nhà không ai sống sót. Kể ra, tay Thạch Sùng này sinh thời là kẻ giàu sang hách dịch, thê thiếp trong phủ nhỡ mà trái ý sai lời hắn thì nhất định bị trừng phạt chẳng tha. Theo "Thế Thuyết Tân Ngữ"(*) mô tả, lúc Thạch Sùng còn đương quyền tại vị, các buổi yến tiệc đãi khách đều để cho mỹ nhân trong phủ mời rượu, vị khách ngồi bàn nào mà không uống hết rượu trong chung thì hắn sẽ sai chém đầu mỹ nhân mời rượu bàn đó, vì thế khách nhân dù cho tửu lượng kém đến đâu cũng phải miễn cưỡng uống cạn. Về sau có vị đại tướng quân Vương Đôn đến dự tiệc, ông ta vốn là người lòng dạ sắt đá, cố chấp không uống để xem Thạch Sùng ứng xử ra sao. Thạch Sùng vì việc này, đã một hơi mang ba mỹ nhân ra giết chết. Ôi, một kẻ đại ác nhân như vậy đến giây phút cuối lại vì một tỳ nữ thổi sáo mà bán cả mạng sống, đủ thấy vật này ấp ủ bao nhiêu tình cảm không thể kể xiết được!"

(ND chú: đây là bản bút ký tiêu biểu thời kỳ Nam Bắc triều do danh nhân thời Tống là Lưu Nghĩa Khánh và các cộng sự biên soạn, tác phẩm gồm 3 tập thượng-trung-hạ với hơn một ngàn cố sự về tư tưởng sinh hoạt của các kỳ sĩ, đại phu bên cạnh diện mạo xã hội thời điểm đó.)

Nhạc Chi Dương lòng đầy cảm khái, buông thanh Không Bích xuống, hướng mắt sang Chu Vi để cho đôi mắt hai người đối diện nhau. Tròng mắt Chu Vi tối đen, lộ vẻ thảm đạm, ánh lệ loang loáng ẩn hiện hệt như một lớp sương mờ bao phủ trên đầm nước sâu.

Khoảnh khắc đó, đầu óc Nhạc Chi Dương trở nên trống rỗng, đến khi gã tỉnh lại thì Chu Vi đã nằm gọn trong lòng mình. Thiếu nữ nép vào nơi ấy ngoan hiền như một chú mèo con, khuôn mặt trắng phao ngẩng lên, ánh mắt lấp lánh chuyển động, ngón tay mềm mịn như tơ vuốt ve khuôn mặt Nhạc Chi Dương suốt từ cạnh trán dọc xuống bờ môi khóe miệng, như muốn thông qua ánh mắt và bàn tay này mà ghi khắc thật sâu dung mạo của gã vào tâm khảm.

Nhạc Chi Dương ôm ghì lấy cô, đôi cánh tay gần như dùng hết cả sức lực. Thảy những Tử Cấm thành, cung diện, sống chết, vương quyền... tất cả ngoại vật đều đã tan biến hết, giữa cõi trời đất này chỉ còn lại mỗi hai người bọn họ mà thôi.

Nhạc Chi Dương mê muội đi trong thứ cảm xúc diệu kỳ, trước tiên là vui sướng, kế đó là đắm say, về sau nơi cõi lòng dâng lên một nỗi bi thương khó diễn tả. Gã có cảm giác người con gái trong lòng mình đang thổn thức khóc thầm, dòng lệ xuôi theo lọn tóc mai mà nhỏ xuống, trôi qua mu bàn tay của gã rồi ngấm thẳng vào đáy tim.

Hai người cứ ngồi như thế chẳng biết đã qua bao nhiêu thời gian, chợt nghe vang lên tiếng gõ cốc cốc, cả hai giật mình hoảng sợ vội tách nhau ra, theo tiếng động nhìn lại, trên song cửa giấy hiện lên bóng hình của một người, giọng nói của Lãnh Huyền trôi tuột vào bên trong:

- Công chúa điện hạ, đã đến giờ rồi!

Chu Vi sắc mặt buồn bã, khẽ giọng nói:

- Lãnh công công, mời vào!

Lời vừa vơi đi, trong gian phòng nổi lên một trận gió nhẹ, Lãnh Huyền trong bộ áo trắng tang tóc như từ một thế giới khác xuất hiện trước mặt hai người. Nhạc Chi Dương thấy lão mà tim đập thình thịch, cảm giác kẻ này nào phải con người mà đúng thật là hồn ma bóng quế.

Lãnh Huyền tay cầm phất trần, cúi đầu nói:

- Công chúa điện hạ, mọi việc đã được an bài thỏa đáng, chỉ còn đợi ta thi triển thuật giả chết mà thôi!

Chu Vi ngần ngừ một thoáng, bảo:

- Lãnh công công, việc này thật sự không nguy hiểm chứ?

Lãnh Huyền cười đáp:

- Công chúa an tâm, nô tài lấy tính mạng ra bảo đảm!

Chu Vi gật đầu, ánh mắt dõi sang Nhạc Chi Dương.

Nhạc Chi Dương đứng lên, mặt hướng về Lãnh Huyền. Lãnh Huyền chăm chú nhìn gã một lúc rồi gật gù, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải hợp lại vẫy nhẹ vào không khí, tấm đệm cói dùng lễ phật như có sự sống bay tốc lên cao rồi lăn tròn đến trước mặt Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương chứng kiến kỹ năng thần kỳ như vậy, đầu óc trở nên mơ hồ, chỉ ngờ đang trong cõi mộng, bên tai vọng đến tiếng nói của Lãnh Huyền:

- Mời ngồi!

Nhạc Chi Dương ngồi xếp bằng, Lãnh Huyền cũng ngồi xuống phía đối diện, sắc mặt nghiêm túc, hai mắt nhắm hờ, gương mặt khô đét ánh lên một luồng hào quang lấp lánh. Nhạc Chi Dương đang lấy làm lạ chợt thấy Lãnh Huyền giơ tay lên, nhập hai ngón trỏ và giữa lại điểm vào bên trái người gã. Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy một dòng nước lạnh buốt đổ ập vào thân thể, từ đầu gối trái trở xuống lập tức mất đi tri giác. Gã giật mình bèn đưa tay sờ thử, nơi ấy tê dại hệt như một tảng đá.

Đang lúc khó hiểu, Lãnh Huyền lại vung một ngón tay điểm vào đằng sau gối trái mang theo cơn lạnh rót vào bên trong, từ gối trái trở lên cũng mất hẳn cảm giác. Nhạc Chi Dương hô khẽ một tiếng, giãy giụa toan đứng lên. Lãnh Huyền ra tay nhanh như chớp, điểm ngón tay trúng vào mắt cá chân phải của gã, khí lạnh ùa vào, từ cẳng chân trở xuống trở nên cứng đờ. Nhạc Chi Dương vùng vẫy một thoáng lại ngồi oạch xuống đệm, hai mắt mở trừng trừng nhìn Lãnh Huyền, trong lòng ngập tràn lo sợ. Chợt đâu Chu Vi vỗ nhẹ lên vai gã, thỏ thẻ:

- Đừng sợ, ông ấy chỉ phong tỏa kinh mạch của ngươi mà thôi!

- Kinh mạch?

Nhạc Chi Dương ngỡ ngàng không hiểu, chỉ nghe Chu Vi thở dài:

- Ông ấy trước tiên điểm vào huyệt "Tam Âm Giao" của ngươi, sau lại điểm huyệt "Âm Lăng Tuyền", đó đều là những yếu huyệt của "Túc Thái Âm Tì Kinh", cho nên một khi huyệt đạo bị phong tỏa thì máu huyết cũng ngừng lưu thông, cẳng chân này của ngươi đương nhiên là không cử động được...

Trong khi cô giảng giải, Lãnh Huyền ra tay lúc nhanh lúc chậm, thoắt trái thoắt phải, liên tiếp điểm trúng vào các yếu huyệt của Nhạc Chi Dương, điểm trúng chỗ nào thì chỗ đó mất đi tri giác. Đầu ngón tay của lão thái giám cuồn cuộn hơi lạnh, trong quá trình ra tay cũng từng chút một xóa tan đi sự sống của Nhạc Chi Dương, Chu Vi còn chưa giải thích xong thì từ thắt lưng gã trở xuống đã hoàn toàn mất đi cảm giác hệt như cành khô đá cuội.

Lúc này Lãnh Huyền đặt cây phất trần xuống, bật người đứng dậy, lần bước đi vòng quanh Nhạc Chi Dương. Lão càng đi càng nhanh, hay tay vung ra một lượt, ngón tay như gió lần lượt điểm vào trước ngực, sau lưng và đôi cánh tay của Nhạc Chi Dương. Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy một cảm giác tê tê từ ngón trỏ ở hai bàn tay nhói lên rồi lan ra như thủy triều tuôn chảy về phía lồng ngực, tích tắc sau, từ bụng dưới lên đến hai vai cũng mất đi cảm giác hoàn toàn.

Lãnh Huyền ra tay mỗi lúc một nhanh, khí thế như nỏ thần giật bắn, thân pháp lẹ như cuồng phong. Chu Vi đứng xem bên cạnh cũng cảm thấy váng cả mặt mày. Chợt nghe Nhạc Chi Dương "A" lên một tiếng, cùng lúc đó Lãnh Huyền tung ra một ngón tay ấn trúng vào huyệt "Thiên Đột" nơi yết hầu của gã. Tiếng kêu của Nhạc Chi Dương nghẹn tắc lại, hệt như cảnh xén đứt cổ một người còn sống.

Chu Vi hết sức lo lắng, "Thiên Đột" là huyệt quan trọng trên cơ thể đồng thời cũng là tử huyệt trí mạng, nghĩ đến đây cô nhịn không được bèn xông lên phía trước, nhưng chưa kịp tới gần đã cảm thấy một luồng khí lạnh ập tới trúng ngay vào huyệt "Đan Điền" phía bụng dưới. Chu Vi máu huyết dường đông lại, cứng người ra tại chỗ. Cô cảm thấy không ổn, một ý nghĩa chợt lóe lên trong đầu: "Thôi chết, Lãnh công công muốn hại Nhạc Chi Dương!" Nhưng cô ngẫm lại, nếu Lãnh Huyền muốn hại người thì vốn dĩ chẳng cần nhọc nhằn, lãng phí nhiều thời gian công sức đến vậy, thật làm người ta nghĩ mãi không ra.

Trong lúc cô lo lắng, Lãnh Huyền bất chợt giảm tốc độ lại, thân người như nước chảy mây trôi chầm chậm xoay quanh Nhạc Chi Dương, đôi lúc đảo lên trên hai vòng, vừa rồi lại vung ngón tay điểm vào những yếu huyệt trên đầu Nhạc Chi Dương. Lão ra tay chậm hẳn đi, Chu Vi trông thấy mới dần hiểu ra, những huyệt mà lão vừa điểm đều thuộc về "Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh"; đầu lại là phần tối quan trọng trong Lục Dương, muốn phong tỏa sự sống mà không làm thương tổn đến não bộ quả là một việc chẳng hề dễ dàng, cho nên Lãnh Huyền mới hai mắt trợn trừng, ánh nhìn như chớp lóe, cơ mặt khẽ giần giật, rõ ràng là đã trầy trật không ít.

Điểm xong "Tam Tiêu Kinh", lại đến "Túc Thiếu Dương Đảm Kinh", trong dãy kinh mạch này thì gần như "Thiên Trùng", "Não Không", "Dương Bạch" là những nơi ấn vào chết ngay, vì thế Lãnh Huyền ra tay chậm rãi, bước chân lần khần không dứt khoát, ngón tay như đeo lấy ngàn cân, trên mặt tỏa ra một làn khói xanh nhạt, trên lưng áo cũng rịn ra từng bệt mồ hôi lớn. Từ khi Chu Vi nhận biết đến nay, lão thái giám này luôn xuất quỷ nhập thần, cười nói tự nhiên mà đương cự địch thủ, chưa bao giờ thấy lão phải vất vả như thế này. Cô suy nghĩ đến điểm này, nỗi nghi hoặc trong lòng cũng giảm thiểu đi, cố gắng mở to hai mắt chăm chú quan sát từng cử chỉ của Lãnh Huyền.

Chẳng bao lâu, Lãnh Huyền đã điểm xong các huyệt đạo ở "Đảm Kinh", bèn chuyển ra phía trước người Nhạc Chi Dương phong tỏa nhâm mạch. Lần này lão ra tay thần tốc, thoáng chốc đã làm xong, lại nhoáng cái bay ra sau lưng Nhạc Chi Dương, niêm kín các huyệt của đốc mạch.

Nhạc Chi Dương ngồi ngay đơ tại chỗ, hơn nửa người đã mất đi cảm giác, bên tai lặng im phăng phắc, lỗ mũi chẳng còn ngửi được hương thơm, mồm miệng đã đánh mất đi đằng nào, chỉ có đôi mắt là còn trông thấy được sự vật, thế nhưng thị giác cũng chập chập chờn chờn, vật vờ buồn ngủ. Gã cố gắng nhướng mí mắt lên, trong lúc mơ hồ chỉ thấy đằng trước bóng trắng lay động, hiện ra khuôn mặt già háp của Lãnh Huyền. Lão thái giám đôi mày trợn ngược, bờ môi mím chặt, chầm chậm giơ tay lên, hai ngón tay khép lại như mũi kiếm điểm thẳng vào ấn đường của gã. "Phụt!", một luồng khí lạnh xông thẳng vào trán, đầu óc Nhạc Chi Dương lùng bùng, hai mắt theo đó tối sầm lại rồi ngất đi, chẳng còn biết trời trăng gì nữa.

Thình lình, một sự rung chuyển phát ra bên dưới cơ thể, Nhạc Chi Dương từ cõi mịt mờ hư vô choàng tỉnh lại, bốn bên đều đen kịt, nồng nặc mùi bùn đất. Gã giãy giụa một lúc, tay chân vẫn không chịu nghe lệnh điều khiển, bên trên vọng đến âm thanh sột soạt, chẳng bao lâu, âm thanh ấy cũng dần dần lặng đi, xung quanh lại trở lại vẻ im lìm như cũ.

Nhạc Chi Dương có cảm giác nhịp tim đã đập trở lại, một làn khí ấm từ buồng tim đang lan tỏa khắp tứ chi, hơi ấm truyền đến đâu tay chân lập tức phục hồi tri giác đến đấy, cảm giác tê dại từ trong xương tủy cũng đồng thời nổi lên khiến cho gã khó chịu khôn xiết. Mất cả buổi trời cảm giác tê dại ấy mới lùi xuống thì cảm giác nghẹt thở lại chợt xuất hiện, ngực gã như bị một tảng đá lớn chèn lên, sức nặng của nó ngày một bành trướng khiến cho gã chật vật không sao tả được. Gã co duỗi thử tay chân, cảm thấy có chút sức lực bèn giơ tay sờ soạn hai bên thăm dò nhưng đều chạm phải lớp ván dày cộp, sờ lên phía trên lại là một thớt gỗ cong cong, bề mặt nhẵn nhụi như được phết lên một lớp sơn bóng.

Thần trí ban đầu còn lờ mờ, lúc này đã dần tỉnh táo trở lại, Nhạc Chi Dương đột nhiên nhận ra giờ phút này gã đang nằm trong một cỗ quan tài, còn âm thanh kỳ lạ ban nãy chính là tiếng hạ huyệt, trên nắp quan lúc này toàn là bùn đất, không khéo gã đã bị người ta chôn sống!

Nhạc Chi Dương lính quýnh ra sức gõ đập nắp quan tài, mấy tiếng "thình thình" vang rền khắp bên tai, gã chỉ cảm thấy đầu váng mắt hoa, còn nắp quan thì vẫn im ỉm không nhúc nhích. Không khí trong quan tài có hạn, sau mỗi lần gã vùng vẫy lại càng tiêu hao nhanh hơn, cảm giác ngột ngạt chèn ép trong ngực mỗi lúc một tăng khiến cho khoang ngực gã gần như muốn nổ tung.

Nhạc Chi Dương cảm thấy trước mắt sao xẹt loạn xạ, ý thức cho gã biết rằng trong chuyện này có gì đó nhầm lẫn, lỡ như Lãnh Huyền không có mặt kịp thời chỉ e lúc lão tới nơi gã đã chết ngạt mất rồi; hoặc giả đúng là lão thái giám lòng dạ khó lường, toan tính muốn chôn sống gã thật. Đúng rồi, vì lẽ đó, Nhạc Chi Dương với thân phận thái giám mới có thể danh chính ngôn thuận chết chôn mà không làm tổn hại đến thanh danh của công chúa Bảo Huy, điều buồn cười là gã đã tin tưởng mà sa vào toan tính của lão thái giám. Mà khoan đã, nếu như muốn giết gã thật, việc chôn sống chẳng phải tốn công phí sức hay sao, dựa vào bản lĩnh của Lãnh Huyền thì chỉ cần nhấc ngón tay cũng có thể lấy đi cái mạng nhỏ của gã.

Nhạc Chi Dương nghĩ mãi vẫn không ra, hít thở càng lúc càng khó khăn, giống như có một đôi bàn tay lớn đang bóp chặt lấy cổ.

Trong cơn tuyệt vọng, gã chợt chạm tay vào một chiếc hộp dài, mở nắp ra bên trong chính là thanh Không Bích nọ. Trong quan tài tối tăm ảm đạm, ngay cả ngọc thạch hiếm quý cũng mất đi ánh hào quang. Nhạc Chi Dương tay cầm sáo ngọc, trong đầu nảy ra một suy nghĩ đáng sợ: “Chẳng lẽ Chu Vi đã sớm biết việc này? Nếu không vì sao cô ấy lại rơi nước mắt? Thanh sáo ngọc này có lẽ không đơn thuần là một món quà tặng mà chính là một vật bồi táng.”

Ý nghĩ này lướt qua, Nhạc Chi Dương không kềm được giận dữ, gã dùng ống sáo gõ cật lực lên nắp quan tài. Chất liệu phỉ thúy cứng rắn đến lạ kỳ, để lại vô số vết lõm sâu trên ván gỗ.

Cơn giận này khiến cho gã nhanh chóng kiệt sức, gõ đến lần thứ năm, Nhạc Chi Dương toàn thân bủn rủn, đầu óc mơ màng choáng váng, vô số ý niệm phức tạp đan lồng vào nhau mà chẳng thể lý giải được.

Bỗng đâu quan tài trở nên rung lắc. Nhạc Chi Dương còn chưa kịp hiểu xảy ra chuyện gì, phần thân dưới đã bị tròng trành kịch liệt, đầu của gã va bộp vào nắp quan tài. Tiếp đó, cổ quan tài bật mở, luồng không khí rét căm ùn ùn xổ vào trong, luồn vào ngập mũi miệng của gã, trái tim tê dại từ nãy giờ cũng đập trở lại. Nhạc Chi Dương hé mắt ra nhìn, chỉ thấy sao giăng đầy trời, lấp lánh sáng ngời dưới màn đêm.

- Chui ra đi! - Thanh âm the thé của Lãnh Huyền cất lên vào lúc khuya khoắt thế này giống hệt như tiếng quỷ gọi.

Nhạc Chi Dương nghe được lời nói ấy mới dám tin rằng mình đã sống lại. Gã hít sâu vào một hơi, tay chân bỗng nhiên lấy lại sức lực, lập tức bật người đứng dậy, phóng mắt nhìn quanh. Lãnh Huyền đứng cách đó không xa đã thay đổi trang phục trên người, lão mặc áo đen mũ nồi làm cho đôi gò má gầy đét càng nổi bật hơn.

Xung quanh lố nhố những nấm mồ cao thấp, cỏ dại um tùm khua xạc xào trong cơn gió đêm, một trảng sương mờ bốc lên sống động hệt như những bóng ma chập chờn.

- Nhạc Chi Dương...

Một giọng nói khẽ khàng vang lên, trong nỗi xúc động còn pha lẫn sự ngập ngừng.

Ngoài Lãnh Huyền ra còn có ai khác ư? Nhạc Chi Dương theo tiếng gọi dõi mắt ra nhìn, phía sau lưng Lãnh Huyền có một người đang đứng.

Bóng người ấy chuyển động bước khỏi bóng lưng Lãnh Huyền, hóa ra là một người trẻ tuổi áo vàng, tay mang kiếm dài, bờ vai nhỏ nhắn, tứ chi thon thả, hai má bóng mịn như ngọc, chân mày uốn lên như lông chim trả, dưới làn mi là đôi tròng mắt to đen lay láy.

Người trẻ tuổi ấy rưng rưng nhìn gã nửa cười nửa khóc, Nhạc Chi Dương ngẩn người rồi bất chợt hét toáng lên, nhảy nhổm ra khỏi quan tài, chạy ào đến trước mặt người trẻ tuổi ấy rồi giơ tay ra ôm chặt người ấy vào lòng. Người trẻ tuổi ấy thoáng cựa quậy rồi thân thể mềm nhũn đi, giọng nói nhẹ hẫng đến mức gần như không nghe thấy:

- Nhạc Chi Dương, ngươi còn sống đây ư...

- Còn sống, ta còn sống! - Nhạc Chi Dương vừa sống lại từ cõi chết, tâm tình vô cùng kích động, không kềm được bật cười ha hả: - Công chúa điện hạ, sao cô lại đến nơi này vậy?

Chợt nghe Lãnh Huyền hừ một tiếng, hai người mới giật mình nhớ ra còn có người khác, lập tức tách nhau ra. Lão thái giám sắc mặt u ám, lạnh lùng nói:

- Công chúa điện hạ, đừng quên thân phận của mình.

Chu Vi mặt nóng như lửa đốt, cúi thấp đầu xuống. Lãnh Huyền lại liếc nhìn Nhạc Chi Dương, nạt:

- Thằng quỷ nhỏ, ngươi cũng chớ suồng sã quá mức!

Nhạc Chi Dương lâng lâng như thể đang nằm chiêm bao, gã nhìn xung quanh thắc mắc:

- Lãnh công công, đây là nơi nào?

- Đây là bãi tha ma ở phía bắc kinh thành, tất cả những cung nữ, thái giám không nhà cửa đều được chôn cất tại nơi đây, kẻ nào khi sống được ân sủng thì có thêm một cổ quan tài, kẻ thất sủng cùng lắm chỉ có một manh chiếu lau quấn xác rồi quẳng xuống hố là xong!

Lãnh Huyền nói đến đây liền đưa mắt nhìn ra đám mồ mả xung quanh, vẻ mặt thoảng đượm thê lương.

Nhạc Chi Dương gãi gãi đầu, trong lòng vẫn chưa tan hết sợ hãi:

- Lãnh công công, ông đến muộn chút nữa thì ta đã đi đời nhà ma rồi!

Lãnh Huyền hừ một tiếng, lạnh lùng nói:

- Việc này thì ngươi phải hỏi công chúa điện hạ kia kìa!

Sắc mặt Chu Vi lúc đỏ lúc trắng, ấp úng kể:

- Nhạc Chi Dương, đều là do ta cả! Ta thấy ngươi được liệm vào quan tài, trong lòng rất lo lắng, định bụng phải thấy bằng được ngươi tỉnh lại nên mới quấn riết lấy Lãnh công công đòi xuất cung. Lãnh công công chịu mè nheo không thấu đành phải dẫn ta ra đây, vì thế dọc đường đi mới bị chậm trễ. Ôi, chỉ trách ta tùy hứng, suýt nữa đã hại tính mạng ngươi...

Cô nghĩ lại mà còn cảm thấy sợ, thân thể bỗng chốc ớn lạnh.

- Không sao cả, không sao cả! - Nhạc Chi Dương liên tiếp xua tay: - Ta còn cho rằng sẽ không gặp được cô nữa, nếu có thể hội ngộ thế này, ta có chết thêm lần nữa cũng không hề gì!

Chu Vi cảm thấy bùi lòng mát dạ, ngoài miệng thì mắng:

- Nói nhảm vừa thôi, người ta chết một lần là đủ rồi, còn có thể chết đến mấy lần chứ?

Nhạc Chi Dương cười bảo:

- Chẳng phải có câu "Cửu tử nhất sinh" hay sao? Xem chừng, biết đâu người ta có thể chết đến chín lần đấy!

- Ăn nói linh tinh! - Chu Vi nửa bực nửa buồn cười: - Cửu tử nhất sinh" đâu phải có ý nghĩa như vậy!

Nhạc Chi Dương cười khì khì định nói tiếp, chợt nhiên Lãnh Huyền nhìn lên nền trời giục:

- Không còn nhiều thời gian nữa, Linh Đạo Thạch Ngư ở nơi nào?

Nhạc Chi Dương đáp:

- Ở tại bờ sông Tần Hoài!

Lãnh Huyền liếc mắt nhìn gã, nhạt giọng:

- Hiện tại là giờ Dần ba khắc, non nửa giờ nữa thánh thượng sẽ tỉnh giấc, hôm nay có buổi triều sớm đến cuối giờ Ngọ thì bãi triều, vào giờ Tỵ ta phải trở về. Phần công chúa, lừa được kẻ khác chứ không lừa được người trong cung Bảo Huy, trước giờ Ngọ mà chưa hồi cung chắc chắn sẽ làm kinh động mọi người. Theo tính toán lúc này chúng ta còn hai canh rưỡi thời gian nữa. Nhóc con, ngươi đừng hòng ăn nói qua loa với ta, bằng không hôm nay trên người ngươi sẽ mọc ra một lỗ thủng đấy!

- Không dám, không dám! - Nhạc Chi Dương cười nói: - Lãnh công công võ nghệ cái thế, ta đoán đâu có chuyện gì làm khó được ông.

Lãnh Huyền hừ một tiếng, bảo:

- Võ nghệ cái thế à? Nói nghe sao dễ? Bốn chữ ấy trên đời này chỉ có một người xứng đáng mà thôi!

Nhạc Chi Dương tò mò hỏi:

- Ai vậy?

Lãnh Huyền không nói lời nào, ngẩng đầu nhìn về phía tây xa xa, nơi đó treo một vành trăng khuyết lạnh lẽo đang lặng lẽ chìm vào rặng mây. Lãnh Huyền nhìn mãi một lúc rồi thở dài thườn thượt. Chu Vi thắc mắc:

- Lãnh công công, sao ông lại thở dài?

- Không có gì. - Lãnh Huyền nhấc lấy một gói quần áo ném cho Nhạc Chi Dương, giục: - Mặc vào đi!

Nhạc Chi Dương mở gói đồ ra xem, hóa ra bên trong là một bộ thường phục bằng vải trơn màu xanh. Lúc gã được an táng, trên người vốn phục sức theo kiểu thái giám, lỡ bị ai đó trông thấy thì khó tránh khỏi cảnh phô trương gây chú ý. Gã ngẫm nghĩ rồi quay sang nhìn Chu Vi, tiểu công chúa đỏ bừng mặt lặng lẽ hướng đầu đi nơi khác. Nhạc Chi Dương thay xong quần áo, Lãnh Huyền cũng đã sớm bịt kín quan tài, lấp đất đá lại rồi bảo:

- Đi thôi!

Nói rồi lão sải bước lên trước, tiến về phía sông Tần Hoài.

Nhạc Chi Dương ngó sang Chu Vi, người đằng sau lấp ló lúm đồng tiền xinh như hoa, đôi mắt đẹp chớp láy long lanh. Nhạc Chi Dương cảm giác lồng ngực nóng ran, đột nhiên với tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô. Bàn tay thiếu nữ thon thả, mềm mại như không xương, da thịt trắng trẻo nõn nà, nắm trong tay như nắm một viên ngọc mịn.

Chu Vi nào ngờ tên tiểu tử này lại cả gan như vậy, cô định hất tay ra theo ý thức nhưng hất kiểu gì cũng không thoát khỏi bèn nhướng mắt nhìn lên, Nhạc Chi Dương cười tủm tỉm ngó cô làm lộ ra hàm răng đều tăm trắng bóng.

Ánh sao bóng trăng soi rọi từng đường nét thanh thoát, hài hòa của thiếu niên, Chu Vi nhìn đến ngơ ngác, nghĩ thầm: "Hóa ra chàng lại đẹp trai như vậy!"

Nhạc Chi Dương nâng sáo ngọc lên bảo:

- Công chúa, cô vứt thanh sáo này vào trong quan tài nè...

Chu Vi mỉm cười:

- Thanh sáo này là ta tặng cho ngươi đó!

Nhạc Chi Dương giật mình:

- Vậy sao được chứ?

- Sao lại không được?- Chu Vi giơ tay ra vuốt ve món đồ cổ ấy: - Thanh sáo này là anh Thập Thất đã tặng cho ta nhân dịp sinh nhật lần thứ mười, tiếc rằng ta thổi sáo không giỏi, để ở chỗ ta sẽ khiến cho nó bị phí hoài mai một. Bảo kiếm thì phải xứng với anh hùng, ta tặng nó cho ngươi, Lục Châu dưới kia nếu biết được hẳn sẽ rất an tâm vui vẻ.

Nói đến đây, cô chợt nảy ra điều gì đó liền cho tay vào tay áo, lấy ra một sợi tơ vàng rồi luồn nó qua lỗ ống sáo, buộc vào thắt lưng Nhạc Chi Dương, vừa làm vừa ngâm nga:

- Phỉ thúy vàng, phỉ thúy vàng, phỉ thúy phải phối với màu vàng mới bắt mắt!

Dòng nhiệt huyết trong người Nhạc Chi Dương đang cơn sục sôi, gã định nói gì đó thì Lãnh Huyền ở đằng trước chợt tằng hắng một tiếng, quay đầu lại nhìn hai người, chân mày nhíu chặt. Chu Vi mặt đỏ tới mang tai, toan rụt tay về, nào ngờ Nhạc Chi Dương dứt khoát nắm chặt, sải bước dẫn cô vượt lên phía trước. Lãnh Huyền trừng mắt nhìn hai người, mặt mày chằm dằm một đống nhưng cũng không tiện nhiều lời, lom khom đi bên cạnh.

Đến bờ sông Tần Hoài thì sắc trời cũng vừa hửng sáng, dưới ánh bình minh soi rọi, nước sông ánh lên màu xanh biêng biếc hệt như một dải lụa đào dập dờn uyển chuyển. Những kỷ viện thanh lâu hai bên bờ sông đang ngon giấc say nồng sau một buổi tối hoạt động hết công suất; đâu đó nổi lên tiếng gà râm ran gáy sáng vừa hay nối tiếp vào lời ca tiếng nhạc dặt dìu đêm hôm trước.

Gió sớm phơn phớt trên mặt truyền đến cảm giác mát rượi, cõi lòng Nhạc Chi Dương bỗng nhen nhóm lên một bầu lửa nóng, gã đón lấy làn gió ban mai se sắt ấy, tinh thần trở nên hết sức phấn khởi. Chỉ trỏ những lầu quán ven sông, gã lần lượt kể cho Chu Vi nghe những câu chuyện ly kỳ lạ lẫm: nơi này ai giành được hoa khôi, đằng kia ai bày tiệc trăng gió, đêm xuống pháo hoa giăng đầy trời đẹp đến nhường nào, cô nương ở nhà này không những giỏi đàn hát mà còn khéo diễn tạp kỹ, thân dẻo như bông, chui lọt qua được một chiếc vòng kim loại nhỏ xíu. Khúc sông kia vào đêm Thất Tịch sẽ tổ chức hội hoa đăng, Nhạc Chi Dương trong những lần tốt số đoán trúng mấy câu đố đèn đã thắng được không ít tiền thưởng. Chu Vi mải miết lắng nghe từ chuyện thi đố đèn cho đến câu chuyện tòa nhà lớn tiêu điều màu xám tro nọ, nơi đó năm xưa cũng là chốn náo nhiệt bậc nhất, về sau có nàng ca kỹ gặp chuyện tình duyên trắc trở, bị sở khanh lường gạt rồi trầm mình tự vẫn, hóa thành ác quỷ, từ đó quẩn quanh tại tòa nhà ấy quấy phá đến nỗi mỗi năm đều có vài vụ người nữ nhảy sông, thế nên ngày qua tháng lại nơi ấy càng trở nên đìu hiu, quạnh quẽ.

Chu Vi từ thuở chào đời đến nay mới được xuất cung lần đầu, thấy gì cũng mới, gặp gì cũng lạ. Nhạc Chi Dương càng khua môi múa mép, những chuyên hết sức đơn giản qua cái mồm của gã cũng trở nên thú vị tuyệt vời. Nghe đến đoạn nữ quỷ quấy nhiễu, Chu Vi tròn mắt há miệng, tay ghì chặt lấy Nhạc Chi Dương không dám buông lơi. Nhạc Chi Dương thấy cô sợ sệt, nổi hứng thêm thắt tợn hơn, bịa ra chuyện vài nàng danh kỹ chịu nhục biến thành ác quỷ, kể đến trời sầu đất thảm, dọa cho tiểu công chúa mặt mày tái mét, trong dạ cứ thấp thỏm không yên, theo ý thức nép sát vào người thiếu niên, chẳng dám để tụt lại bước nào.

Nhạc Chi Dương cảm thấy khoái chí vô cùng, thầm nghĩ bọn vương công quyền quý đến nơi này tìm thú vui không ít nhưng người có thể dẫn theo công chúa Đại Minh đi du ngoạn ven sông Tần Hoài thì tự cổ chí kim e rằng chỉ có một mình gã mà thôi. Cô nàng công chúa này vừa ngây thơ lại vừa e thẹn, gã thật muốn bày trò để làm cô vui, tiếc là ban ngày mặt sông vắng lặng, kế bên còn thêm một lão thái giám mặt lạnh như tiền, thật không thể cùng cô quậy phá cho thỏa thích được.

Gã ngại lão thái giám chướng tai gai mắt, ngờ đâu Lãnh Huyền cũng đang tức anh ách một bụng từ nãy đến giờ. Hóa ra vì thời gian gấp rút, lão cứ nghĩ sau khi tìm được vật ấy thì trở về cung ngay lập tức, ai dè Nhạc Chi Dương đi dọc bờ sông cứ luôn miệng khoác lác vẽ vời, hai người nam nữ trẻ tuổi tay nắm vai kề cười đùa rôm rả đến mức ngay cả những cặp tình nhân đi trẩy hội xuân cũng không thân mật được như vậy. Thấm thoát chặng đường dọc bến Tần Hoài đã đến điểm cuối, Lãnh Huyền sau nhiều lần kiên nhẫn cũng hết chịu nổi, quát lên:

- Tiểu tử thối, Thạch Ngư rốt lại là nằm ở đâu?

Nhạc Chi Dương nghe vậy thì vỗ đầu, cười khì khì bảo:

- Ây da, mãi lo huyên thuyên ta quên khấy đi mất chuyện lớn này rồi, à ừm...

Gã dòm trái ngó phải, sắc mặt thay đổi:

- Thôi chết, ta nhớ nhầm rồi, Thạch Ngư không ở bãi sông, nó ở... ở...

Gã vừa nói vừa gãi đầu, chợt thấy lão thái giám nhíu chặt chân mày, mặt hầm hầm sát khí, bèn cười giả lả:

- Ta nhớ ra rồi, Thạch Ngư cất ở miếu Phu Tử!

- Tiểu tử thối, ngươi dám!

Lãnh Huyền giận đến run người, vừa rồi đi qua miếu Phu Tử, Nhạc Chi Dương cứ ngoảnh mặt ngó lơ, bây giờ lại đòi trở ngược lại nơi đó chẳng khác nào bắt lão đi dạo sông Tần Hoài thêm lần nữa. Lão thái giám ra tay nhanh như điện, quắp lấy vai trái của Nhạc Chi Dương. Tiểu tử nọ đau đớn thấu xương, tức thì la lên oai oái. Lãnh Huyền nghiêm giọng:

- Tiểu tử thối, ta có thể khiến ngươi sống, cũng có thể làm ngươi chết. Ngươi còn dám gạt ta, ta sẽ lấy cái mạng nhỏ của ngươi!

Lão đang lúc nghiến răng giận dữ, không để ý một cánh tay trắng nõn nhẹ nhàng phất tới dẫn theo năm luồng kình phong xuyên thấu vào kinh mạch, với năng lực của Lãnh Huyền cũng cảm thấy mu bàn tay tê dại, theo ý thức lật tay chộp lấy cổ tay ngọc ngà ấy. Người nọ kêu khẽ một tiếng, âm điệu nhu mì. Lãnh Huyền trong lòng giật thót, vội vã buông năm ngón tay ra, lùi về sau một bước, nói:

- Phất Ảnh Thủ" đúng là danh bất hư truyền, Lãnh mỗ ra tay cấp bách, mong công chúa thứ lỗi!

Chu Vi xoa chỗ đau nơi cổ tay, trong lòng thầm kinh ngạc. Một đòn vừa rồi chính là "Phất Ảnh Thủ" của Thái Hạo Cốc, âm kình nơi ngón tay như có như không, nhìn thì có vẻ không đáng ngại nhưng thực tế có thể gây tổn thương kịch mạch, hư hại ngũ tạng, chuyên để phá các loại chân khí hộ thể. Ấy vậy mà Lãnh Huyền chẳng những an nhiên vô sự, lại còn trở tay đánh trả, suýt nữa thì phá vỡ Ngưng Hà Thần Công và bóp vụn cổ tay của cô.

- Lãnh công công! - Chu Vi định thần lại, miễn cưỡng cười bảo: - Nhạc Chi Dương chẳng phải đã nói rồi ư? Y mãi mê trò chuyện với ta nên vô tình quên mất Thạch Ngư, người ta đâu phải thánh hiền mà không mắc sai sót. Ông trời cũng có đức hiếu sinh, Lãnh công công sao có thể vì một chút sai vặt cỏn con mà làm hại tính mạng người ta chứ?

Lãnh Huyền ráng kềm cơn giận trình bày:

- Công chúa có điều không biết, thằng nhóc này nói dóc thành thần, có trời mới biết biết y đang âm mưu trò gì!

- Nói dóc thành thần? - Chu Vi liếc nhìn Nhạc Chi Dương, gã ta đang xoa xoa vai, vẻ mặt ra chiều oan ức lắm. Chu Vi buột miệng bảo: - Ta thấy y rất tốt, câu nào câu nấy đều là thật bụng!

Lãnh Huyền cả giận:

- Công chúa thấy y toàn lời nói thật là vì công chúa đối với y...

Nói đến đây, lão ngập ngừng khựng lại. Chu Vi lườm Lãnh Huyền hỏi:

- Ta đối với y thế nào?

Lãnh Huyền hừ một tiếng, đáp:

- Có mấy lời nói ra không lọt tai, công chúa tự mình hiểu rõ.

- Ta chẳng hiểu rõ chuyện gì cả! - Chu Vi mặt mày dửng dưng: - Nhờ Lãnh công công chỉ ra chỗ sai giúp!

Lãnh Huyền trừng mắt nhìn công chúa, sắc mặt lúc xanh lúc trắng, lão cố nuốt ực vào một ngụm nước bọt rồi nặn ra một nụ cười:

- Công chúa điện hạ thân phận cao quý cần gì chấp nhặt với lão nô. Thời gian gấp rút, lấy được Thạch Ngư rồi mau chóng trở về cung mới là thượng sách! Ta nổi giận với thằng nhóc này chẳng qua cũng vì công chúa mà thôi!

- Vì ta à? - Chu Vi cười khẩy: - Sợ là vì chính ông thì có! Lãnh công công, ông dụ dỗ ta xuất cung, đáng phải chịu tội gì?

Lãnh Huyền ngớ người nghẹn giọng:

- Công chúa điện hạ, là cô mè nheo đủ kiểu nên ta mới đồng ý dẫn cô xuất cung mà...

Chu Vi mỉm cười:

- Ai thấy ta mè nheo với ông? Đến chỗ phụ hoàng, người sẽ tin lời ta hay lời ông?

Lãnh Huyền vừa bất ngờ vừa tức tối, lòng thầm cảm thấy hối hận, chỉ trách lão chịu không nổi màn khóc lóc mè nheo của tiểu công chúa mà dẫn cô ra khỏi chốn thâm cung, để giờ đây quả đúng là đi dễ về khó rồi. Lão thấy mình đã tự chúi đầu vào rọ, đành phải bấm bụng chịu trận, chậm rãi nói:

- Công chúa điện hạ, lão nô nhất thời sốt ruột, không tránh khỏi thất lễ, những mong công chúa lấy đại cuộc làm trọng, đừng gây khó dễ cho lão nô.

Chu Vi bảo:

- Thôi được, ông không gây khó dễ cho Nhạc Chi Dương thì ta sẽ không làm khó ông!

Lãnh Huyền lòng thầm toan tính, đánh mắt đi nơi khác. Nhạc Chi Dương chắp tay sau lưng, mặt mày tủm tỉm, không khỏi lấy làm đắc ý vì nghiễm nhiên tìm được chỗ dựa. Lãnh Huyền giận muốn nổ phổi, hận không thể xoạc chân tống tên tiểu tử này xuống sông làm mồi nuôi cá cho rồi.

Chẳng còn cách nào khác, ba người đành quay đầu trở về miếu Phu Tử, mới đi chừng trăm bước, Nhạc Chi Dương bỗng đề xuất:

- Đi cả buổi trời chắc công chúa điện hạ cũng khát nước rồi? Bên kia có một tòa Tiên Nguyệt Kí nổi tiếng trà ngon, thức ăn tuyệt diệu, ngồi trên lầu cao thì cảnh sông Tần Hoài thu gọn trong tầm mắt, quả là một địa điểm thưởng ngoạn hiếm có trên đời!

Lãnh Huyền nghe xong tức muốn trào máu, nhưng vì không tiện ra tay trừng trị nên chỉ đành lớn tiếng quát:

- Thời gian khẩn cấp, lấy được vật kia mới là ưu tiên chính!

Nhạc Chi Dương bỗng nhiên hóa thành kẻ điếc, cười híp cả mắt, giả lơ kể tiếp:

- Đáng tiếc bây giờ là ban ngày, mà mấy chỗ đặc sắc bên sông Tần Hoài chỉ có vào ban đêm, công chúa khó có dịp xuất cung để thưởng thức không khí náo nhiệt bậc nhất ấy thì ít ra cũng nên ghé xem khung cảnh xếp vào bậc hai này: uống chút trà, ăn tí điểm tâm, ngắm nhìn dòng sông, xem như không uổng phí một chuyến đi.

Chu Vi hiểu rõ dụng ý của Nhạc Chi Dương, biết gã không nỡ xa mình nên mới trăm phương ngàn kế kéo dài thời gian như vậy. Hai canh giờ rưỡi này lúc bình thường kể cũng không ngắn thế nhưng hiện tại lại trôi vùn vụt như tên bay, một khi cô trở về cung rồi, sợ rằng sẽ chẳng bao giờ được ra ngoài nữa. Nghĩ đến đây lòng thêm buồn rười rượi, chẳng thèm để ý đến sắc mặt khó coi của Lãnh Huyền, cô gượng cười:

- Nói mới để ý, ta cũng thấy hơi đoi đói rồi, cứ đi uống trà ăn chút điểm tâm như ngươi bảo đi!

Lãnh Huyền vội can:

- Công chúa điện hạ...

Chu Vi cười bảo:

- Lãnh công công, ông đừng gấp, ta tự có chừng mực. Có điều nơi này không phải hoàng cung, ta với ông cần thay đổi cách xưng hô, đến quán trà rồi ta sẽ gọi ông là Lãnh tiên sinh, ông gọi ta Tiểu Chu là được!

Lãnh Huyền giật mình:

- Lão nô không dám!

Vừa nói vừa lườm lườm nhìn Nhạc Chi Dương, ánh mắt đầy vẻ hung tợn, hận không thể xẻo thịt rút gân trên người gã ra cho hả dạ. Mặc dù lão giận sôi bụng nhưng cũng chẳng thể lay chuyển được tâm ý hai người trẻ tuổi, đành bất đắc dĩ theo họ đến Tiên Nguyệt Kí.

Quán trà này cao khoảng ba tầng, rào đỏ ngói xanh, trông thẳng ra một dòng khói sóng mênh mông, không gian vô cùng khoáng đãng trang nhã. Đương vào giờ sáng, trên lầu quạnh quẻ vắng tênh, khách khứa loe hoe, ba người chọn một chỗ ngồi hướng mặt ra sông trên lầu ba, gọi một bình trà Minh Tiền Long Tĩnh(*) cùng bốn món ăn thượng hạng, mặc dù không được tinh tế như trong hoàng cung nhưng cũng mang một hương vị đặc sắc riêng biệt. Nhạc Chi Dương tươi cười chỉ trỏ trên dòng sông, mô tả những câu chuyện trăng hoa thi vị, Chu Vi lặng thinh lắng nghe, cảm giác mông lung như mộng như ảo. Đáng tiếc, đã là mộng ảo thì đến khi tỉnh giấc chẳng thể sống lại khoảnh khắc như vậy được nữa. Cô cúi nhìn bọt nước nổi bồng bềnh trong tách trà, chợt nảy sinh một nỗi niềm cảm thương cho những số kiếp truân chuyên, thân bất do kỷ.

(ND chú: một loại trà búp nổi tiếng hái trước tiết thanh minh của vùng Hàng Châu)

Đang lúc âu sầu, chợt nghe ngoài sông truyền đến một tiếng ca trong trẻo:

Xuân đi đi mãi không về

Cảnh xưa rày khác sơn khê đổi màu

Ngẩng đầu vọng ngóng trời cao

Én bay thuở trước chốn nào tìm đây?

Đêm thâu quạnh vắng thành này

Sóng xô xào xạt chở đầy tịch liêu

Chuyện xưa nhớ tiếc càng nhiều

Kim Lăng năm ấy mọi điều đã xa

Sương lam che lấp cỏ già

Quạ đen nương bóng chiều tà loạn bay

Chẳng còn ai hát đêm nay

Khúc ca Ngọc Thụ ru say cõi lòng

Yên Chi giếng cạn dòng không

Ve kêu thê thiết khói nồng miên man

Kim Lăng giờ chỉ hiên ngang

Tần Hoài nước biếc, đỉnh ngàn Chung Sơn

(ND chú: đây là từ khúc "Mãn Giang Hồng - Kim Lăng Hoài Cổ" do thi nhân nổi tiếng thời Nguyên là Tát Đô Lạt sáng tác, không phải bài Mãn Giang Hồng của Nhạc Phi mà chúng ta thường biết. Bài từ này điển cố khá nhiều, các bạn có thời gian thì nghiên cứu thêm: baike.baidu.com/view/5571869.htm )

Khúc "Mãn Giang Hồng" này cất lên du dương trầm bổng, vang vọng khắp mặt sông, đoạn vút cao thì xuyên tận mây trời, chỗ xuống thấp như thép luyện uốn khúc, triền miên không dứt. Khúc ca hát xong, dư âm còn lãng đãng tựa như tiếng chuông ngân nga trong hang vắng, lâu mãi vẫn chưa tan đi.

QC: Phong Vân - Big Update - Long Thành Chiến

Nhờ convert tiếp những truyện đang dang dở

Chương 3: Đông Đảo Tam Tôn

Chu Vi không khỏi ngạc nhiên, theo tiếng nhìn ra ngoài, chỉ thấy một con thuyền lá từ đầu sông lướt đến. Đứng ở mũi thuyền là một vị thầy tu trẻ tuổi, thân hình cao ráo, bộ tăng y màu trắng phớt xanh khoác trên người bay phất phơ theo gió hệt như cảnh tượng sương tỏa mây giăng che lấp cả một vầng trăng sáng. Chu Vi bất giác nhủ thầm: "Giọng hát thật hay, phong thái thật tuyệt!"

Tiếng ca làm kinh động hai bên bờ sông, đám kỹ nữ từ trong mấy lầu gác thủy tạ ùn ùn đổ ra, trông thấy thầy tu nọ, thảy đều vẫy chào thích thú. Thầy tu áo trắng ấy cũng niềm nở mỉm cười, phất ống tay trái lên ra ý chào lại.

Chu Vi lấy làm kinh ngạc, thắc mắc:

- Vị hòa thượng này là ai? Hắn là người xuất gia, sao lại có vẻ quen biết đám kỹ nữ này như vậy?

Nhạc Chi Dương cười bảo:

- Ta không quen tên hòa thượng này, nhưng nghe người ta đồn, biệt danh của hắn là "Tình Tăng", quanh năm suốt tháng lêu lổng ở bến Tần Hoài này. Nghe nói tài nghệ cầm kỳ thi họa của hắn món nào cũng điêu luyện độc đáo, thêm vào tướng mạo ưa nhìn, giọng ca mê hoặc, mấy nàng danh kỹ ở ven sông đều có quan hệ mập mờ với hắn.

Chu Vi nghe mấy câu này, trong bụng tỏ ý khinh thường, chép miệng:

- Hắn ta thân là người cửa Phật, sao có thể qua lại những nơi trăng hoa như thế? Cái gì là "Tình Tăng" chứ, hừ, ta thấy nên gọi là "Dâm Tăng" mới đúng!

Ngoài miệng thì chê trách nhưng trong lòng cô cũng cảm thấy tiếc rẻ: "Uổng cho một thân phong độ! Ôi, nếu so về giọng hát, anh Thập Thất cũng phải kém hắn một bậc!"

Lãnh Huyền chợt hừ lên một tiếng, bảo:

- Qua lại chốn trăng hoa chưa chắc đã là dâm tăng, ngồi tít trên triều cao chưa hẳn là quân tử. Lữ Động Tân trong bài "Xao Hào Ca" từng nói: "Kẻ có tài, quân nhàn hạ, rượu chẳng xa lạ còn hoa là tri âm, chốn lạc dâm chân nhân nào đến, chân nhân chỉ đến dạo ngắm phường hoa!" Cấm tiệt gái rượu chẳng qua chỉ là đạo hạnh hàng thứ ba mà thôi, dù những vị đại đức cao tăng kia mặt mày lúc nào cũng trong sạch thanh cao nhưng lòng dạ thực chất lại trần tục nhơ nhớp; ta gọi bọn họ một từ là "tăng", hai từ là "hòa thượng", ba từ là "ma ham vui", bốn từ là "quỷ đói háo sắc".

Nhạc Chi Dương nghe lời này có vẻ lý thú, cười hỏi:

- Đạo hạnh mà cũng phân cao thấp sao? Hàng thứ ba như vậy, còn hàng thứ hai thế nào?

Lãnh Huyền đáp:

- Đạo hạnh hàng thứ hai, thấy rượu thì uống trộm, gặp sắc thì dâm lén, hay bị trần tục cám dỗ nhưng thường sẽ biết kềm chế kịp thời, tuy không có khả năng bảo vệ chính kiến nhưng thế còn tốt chán, giống như cảnh đi trên cầu độc mộc, dưới cầu là trần gian cuồn cuộn hỗn loạn, lỡ sai một bước sẽ bị thế tục nuốt chửng. Loại nhân vật này mặc dù hành tẩu khó khăn nhưng vẫn còn hơn xa cái bọn ngụy quân tử, thầy tu giả.

- Con hạng nhất thì sao? - Nhạc Chi Dương lại hỏi tiếp.

- Đạo hạnh hạng nhất là loại uống rượu không để say, gặp sắc không dâm loạn, vào được ra được, đến được đi được, "hòa kỳ quang, đồng kỳ trần"(*), ra khỏi bùn nhơ không vấy bẩn, lẫn lộn thế tục không nhiễm bụi trần, dẫu có lưu lạc vào chốn trăng hoa cũng không đánh mất đi tấm lòng son vốn có.

(ND chú: “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần - có nghĩa "pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi bẩn" là một tư tưởng đặc sắc trong sách Lão Tử chương 56, nguyên văn "Tỏa kỳ nhụệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị huyền đồng". Lão tử nêu quan điểm "hòa quang đồng trần" để giải thích về lẽ Huyền đồng. Người đời sau dùng “Hòa quang đồng trần” để chỉ triết lý sống nổi chìm cùng thế tục, tùy tục tùy thời hành xử, không để lộ ra một sự khác biệt hay đặc biệt nào)

Nhạc Chi Dương cười bảo:

- Luận điệu của ông nghe thật thú vị, vậy dám hỏi Lãnh... Lãnh tiên sinh, tên hòa thượng này được xếp vào hàng thứ mấy?

Lãnh Huyền cười không đáp, nhâm nhi trách trà, nhạt giọng hỏi:

- Hai người uống xong chưa?

Chu Vi còn chưa lên tiếng, Nhạc Chi đã cướp lời:

- Vẫn chưa xong!

Lãnh Huyền liếc mắt nhìn gã, lạ thay không hề nổi giận theo thói thường mà chỉ thở dài:

- Thôi vậy, có muốn đi cũng không kịp nữa rồi!

Nhạc Chi Dương và lão đối mặt nhìn nhau, Chu Vi thắc mắc:

- Sao lại không đi kịp?

Lãnh Huyền nhướng mày, trầm ngâm không đáp.

Nhạc Chi Dương thầm cảm thấy có sự lạ phát sinh, ngoái đầu nhìn ra, trông thấy thầy tu áo trắng nọ đang phe phẩy tay áo, khoan thai bước về phía Tiên Nguyệt Kí, dáng đi như nước chảy mây trôi.

Chu Vi và Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn nhau, người này đều trông thấy vẻ ngạc nhiên trong mắt người kia. Chẳng mấy chốc, thầy tu áo trắng đã lên đến lầu ba, lúc nhìn gần tên hòa thượng này có thân hình ngất ngưỡng, trội hơn hẳn người bình thường một cái đầu, tay chân to dài cân xứng, da dẻ sáng bóng hồng hào, còn về ngũ quan trên khuôn mặt thì tuấn tú như một bức họa, nhìn kiểu nào cũng thấy đẹp như thể chẳng phải đàn ông. Trông thấy ba người, hắn mỉm cười tựa hoa nở trăng ngời, cả lầu trà này chẳng hiểu vì sao như sáng bừng lên. Dẫu là thân con trai, trông thấy nụ cười này, Nhạc Chi Dương cũng không tránh khỏi mặt đỏ tim run, len lén nhìn về phía Chu Vi. Thiếu nữ cũng giương mắt nhìn hòa thượng, nơi khóe mi toát lên đôi nét mơ màng.

Thầy tu áo trắng bước tới hai bước rồi ngồi xuống một chiếc bàn đặt trong góc tường, cao giọng gọi:

- Hầu trà đâu, mang cho ta một bình Bích Loa Xuân vùng Quân Sơn.

Tiếng nói của hắn trong trẻo như ngọc đá va chạm vào nhau.

Không lâu sau, tên phục vụ bưng trà đến đặt lên bàn. Thầy tu áo trắng vẫn điềm nhiên như không, tự rót tự thưởng thức, ánh mắt nhìn thẳng không hề ngó nghiêng đến bên này. Lãnh Huyền thì lại nhíu mày, tay cầm chung trà quên cả uống, cũng chẳng chịu hạ xuống.

Bất chợt, phía ven sông dậy lên một trận huyên náo, Nhạc Chi Dương nổi tính tò mò, ló mặt qua thành song hóng chuyện, chỉ thấy con đường cặp mé sông có một gã đàn ông trung niên đang đi tới, mình vận áo nho dài màu bạc, đầu đội mão trân châu, vẻ mặt nhợt nhạt xanh mét như có bệnh, bước chân phập phều bất ổn, lúc đi cứ liêu xiêu chực ngã.

Cách y không xa có một nhóm nam nữ đuổi theo sau, có kẻ phanh cả ngực áo rặt dáng đồ tể, có kẻ hông thắt tạp dề, ống tay áo dính đầy dầu mỡ nhìn như đầu bếp. Mấy kẻ này vừa chạy vừa la lối om sòm, mệt đến thở phì phà phì phò nhưng bất kể chạy nhanh thế nào cũng không đuổi kịp vị nam tử áo bạc ốm yếu kia.

Nhạc Chi Dương hết sức kinh ngạc, tập trung nhìn kỹ, phát hiện đằng sau vị nam tử áo bạc ngoài nhóm nam nữ nọ còn có mấy thứ quái lạ như đao mổ heo, móc treo thịt, chảo xào rau, gậy cời lò, thậm chí đến cả chậu đồng, sạn nhôm, neo thiếc, bừa sắt... Mấy vật dụng này y như có sự sống, thứ thì nhảy loi choi, thứ thì trượt xoàn xoạt, có thứ lại lăn loảng xoảng, bất luận vật lớn vật nhỏ thứ ngắn thứ dài nào cũng đều xoay tít xung quanh thân thể người áo bạc ấy.

Người áo bạc điềm nhiên như không, bước đi lúc nhanh lúc chậm, khi chậm thì sải bước một thước, khi nhanh thì nhấc chân cả dặm, đi ngang một cửa hàng thêu hoa, trong cửa hàng vùn vụt bắn ra một màn kim thêu dày đặc như ong vỡ tổ. Nhạc Chi Dương hết hồn toan kêu to thì người áo bạc đã giơ tay, chảo sắt dưới chân y bỗng tưng lên cao, mấy tiếng kêu rổn rảng vang lên không dứt, màn kim châm đầy trời chẳng biết đã tan biến đi đâu mất cả. Bà chủ tiệm thêu đang ngơ ngác chẳng hiểu xảy ra chuyện gì mà đám chỉ tơ trên kim thêu bị xé đứt hết, dõi mắt nhìn ra lập tức sợ đến điếng người, tay víu lấy bậu cửa, đôi chân run lẩy bẩy.

Đám người truy đuổi cũng cảm thấy bất ổn, trước sau ngừng cả lại, ngây dại đứng quan sát từ xa. Người áo bạc mang theo một đám vật dụng kim loại, từ từ đi đến gần Tiên Nguyệt Kí; y ngẩng đầu nhìn bảng hiệu một thoáng rồi bụm miệng ho khan hai tiếng, tay trái vẽ xuống nền đất một vòng tròn, tiếp đó lại dậy lên một tràng âm thanh loảng xoảng, đám vật dụng kim loại nằm la liệt trên mặt đất nảy tưng tưng rồi gom lại thành một quả cầu sắt. Người áo bạc thờ ơ đưa tay đón lấy quả cầu như thể xách một cái giỏ kẹo rồi đủng đỉnh tiến vào cổng chính.

Mọi người trên lầu ba chỉ nghe tiếng động thùng thà thùng thình vang lên, cả tòa lầu gỗ cũng bắt đầu kẽo kẹt xao động. Chốc lát sau, người áo bạc ló đầu lên, đảo mắt một lượt qua mọi người rồi thả quả cầu lăn về phía trước, y đến bên một chiếc bàn ngồi xuống, uể oải gọi:

- Hầu trà, cho ta một bình trà xanh Lục An!

Tên hầu trà mặt mũi tái nhợt, lần dò bám theo vách tường mà xuống lầu lấy trà. Người áo bạc ngồi ở nơi ấy thở hổn hà hổn hển, Nhạc Chi Dương thấy đám kim loại kia kết hợp lại thành một khối cầu, gắn chặt không tách rời, cổ quái khó mà tưởng tượng, trong lòng gã nảy sinh tò mò cứ nhìn quả cầu sắt mê mải không thôi. Nào ngờ người áo bạc ngoảnh đầu quắc mắt nhìn lại, Nhạc Chi Dương bắt gặp ánh mắt ấy, chẳng hiểu sao cả người giật bắn, vội vã cụp mắt xuống.

Lúc này ở mé sông lại dội đến từng tràng hô hoán kinh ngạc, người ở hai bên bờ sông tràn ra xem không ít, thi nhau chỉ trỏ về phía xa xa. Nhạc Chi Dương ghé mắt nhìn ra lập tức ồ lên một tiếng, chỉ thấy nơi xa có một chiếc thuyền mui đen đang bay tà tà cách mặt nước vài thước, đầu thuyền thấp thoáng một người ph

/26