Linh Phi Kinh

Chương 4: Linh Đạo Thạch Ngư

/26


Nhạc Chi Dương bị dải lụa trói gô mất một lúc, suýt tí nữa thì nghẹt thở toi mạng, may mà Dương Phong Lai hành xử cũng còn chút lương tâm, trong tình huống chưa rõ ràng không muốn lạm sát người vô tội, bằng không nếu như y dùng đủ kình lực thì dẫu có mười Nhạc Chi Dương cũng bị siết chết.

Nhạc Chi Dương vừa thoát khỏi quỷ môn quan, trong lòng chưa hết hoảng sợ, lại thấy Lãnh Huyền bị thương nên càng thêm quýnh quáng. Gã một bên vừa nghĩ cách một bên giần giật chéo áo của Chu Vi. Thiếu nữ ngoảnh mặt lại nhìn, Nhạc Chi Dương nháy mắt ra hiệu, làm ra bộ dáng bỏ chạy. Chu Vi ngớ người, trỏ tay về Lãnh Huyền; Nhạc Chi Dương lắc lắc đầu, vò tai bứt tóc chỉ vào Xung đại sư, ý bảo rằng có tên sư trọc ấy giúp đỡ, Lãnh Huyền nhất định không sao.

Chu Vi nửa tin nửa ngờ, còn đang do dự, Nhạc Chi Dương đã hết nhẫn nhịn nổi, chân đạp lên mặt bàn rồi phóng tót ra khỏi cửa sổ, hai tay ôm lấy thanh cà kheo ngay bên ngoài lầu trà, tuột đánh rẹt xuống mặt đất. Chu Vi không còn lựa chọn nào khác, đành phải tung người nhảy theo, tay áo vắt lên thanh cà kheo vừa quấn vừa rịt, bồng bềnh đáp xuống đất. Lúc này bên dưới lầu trà đã tụ tập khá đông kẻ tò mò, họ chỉ trỏ lên phía trên bàn tán sôi nổi, chợt thấy hai người trẻ tuổi nhảy xuống, ai nấy đều ngạc nhiên nhìn chằm chặp, thêm vào dung mạo Chu Vi tuấn tú lạ thường, họ càng trố mắt dõi theo mãi không rời.

Dưới ánh nhìn săm soi của mọi người, Chu Vi mặt đỏ tai nóng, chẳng biết phải làm thế nào, chợt thấy lòng bàn tay bị Nhạc Chi Dương nắm chặt lấy rồi kéo cô co giò bỏ chạy.

Hai người chạy một mạch đến hơn hai dặm, Nhạc Chi Dương mệt đến nỗi thở hổn hà hổn hển, ngoảnh đầu nhìn lại Chu Vi, hai má của cô lúc này ửng hồng, sắc mặt thản nhiên như không, gã không khỏi cảm thấy lạ:

- Cô không mệt hả?

Chu Vi dẩu môi bảo:

- Chạy thêm mười dặm nữa cũng không mệt!

Nhạc Chi Dương có phần hậm hực, khẩy tay cô ra, miệng lầu bầu:

- Làm như biết võ công thì hay lắm ấy.

Chu Vi thấy gã tự ti như vậy, trong bụng cười thầm, bảo:

- Vậy thì sao nào, đây chẳng qua chỉ là một ít phương pháp hít thở trao đổi khí mà thôi, mai mốt có thời gian ta sẽ dạy kỹ cho ngươi...

Nói đến đây, cô sực nhớ ra, hôm nay chia tay sợ rằng mai này muôn trùng cách biệt, cõi lòng nhất thời se lại, ngậm ngùi cúi thấp đầu xuống.

Nhạc Chi Dương đoán ra tâm tư của cô, trong dạ cũng khó chịu vô cùng, thế nhưng vì không muốn làm mất hứng nên đành mỉm cười:

- Giờ thì khỏe re rồi, lão già họ Lãnh lúc này đang bị kẻ khác cản chân ngáng tay, chúng ta phải nhân cơ hội dạo chơi cho thiệt đã.

Chu Vi lo ngại trở về cung quá muộn sẽ dẫn đến trăm nghìn thứ rắc rối, thế nhưng sâu trong cõi lòng cô cũng thật sự không muốn rời xa Nhạc Chi Dương chút nào. Đang lúc phân vân, Nhạc Chi Dương bỗng nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô với vẻ hết sức thoải mái tự nhiên. Mười ngón tay nối liền với tim, cảm giác dịu dàng đến vô cùng, Chu Vi mặt đỏ tim rung, toàn bộ do dự ngập ngừng đều vứt đi tất, chợt nghe giọng nói thầm thì của Nhạc Chi Dương vang lên bên tai:

- Chu Vi…

Tiểu công chúa ngẩn ngơ. Từ khi chào đời đến nay, trừ vài người cực kỳ thân thiết, chưa một ai dám gọi thẳng tên cô như vậy, nhưng ngữ điệu của Nhạc Chi Dương cứ ngân nga triền miên, cô nghe mà lòng dạ cứ nao nao, thân thể nóng bừng như lửa đốt. Chỉ nghe Nhạc Chi Dương tiếp tục rủ rỉ:

- Chu Vi, cái tên này không hay tẹo nào, phải sửa lại thôi.

- Cớ sao không hay?

Chu Vi dở khóc dở cười, thầm nghĩ tên tiểu tử này càng nói càng vô phép tắc, dám cả gan xuyên tạc cả tên họ của công chúa Đại Minh.

- Chu Vi, người khác nghe thấy lại tưởng nhầm là đuôi heo ấy! - Nhạc Chi Dương nói đến đây nhìn thiếu nữ cười khì khì.

Chu Vi vừa ngạc nhiên vừa bực tức, cung tay thụi gã một cái, bảo:

- Hay nhỉ, có phải trong bụng nhà ngươi vẫn thường rủa xả ta là "Đuôi heo" không?

- Có chết liền! - Nhạc Chi Dương cười toe toét chối đây đẩy: - Ta mới vừa nghĩ ra chứ bộ!

- Quỷ mới thèm tin nhà ngươi á! - Chu Vi lườm hắn, nói tiếp: - Tên họ của ta là do sư phụ đặt, trích từ một câu trong Đạo Đức Kinh: "Thị chi bất kiến danh viết Vi, thính chi bất văn danh viết Hi"(*)

(ND chú: hình như Phượng Ca có chế ở đoạn này 1 chút, nguyên văn người ta là "Thị chi bất kiến danh viết Di , thính chi bất văn danh viết Hi , bác chi bất đắc danh viết Vi" có nghĩa là mắt nhìn không thấy thì gọi là "Di", tai không nghe được thì gọi là "Hi", tay sờ không chạm thì gọi là "Vi", tác giả sửa "Di" thành "Vi" chả rõ vì đâu?)

- Mắt nhìn không thấy? - Nhạc Chi Dương lăm lăm nhìn cô với vẻ lạ lùng, bỗng nhiên gã giơ tay ra sờ lên má cô, giọng đùa cợt: - Ta không thấy cô đâu nha, ta không thấy cô đâu nha...

Chu Vi vừa né mặt đi vừa phì cười:

- Ngươi bớt nói linh tinh đi, sư phụ ta là một vị đạo sĩ đức cao vọng trọng, chữ "Vi" trong đó ám chỉ một loại cảnh giới của Đạo. Hứ, ngươi mà còn quậy nữa là ta không khách khí đâu nha.

Nhạc Chi Dương rụt tay về cười khì:

- Ta chả biết cái gì là Đạo hay không Đạo, ta chỉ biết hiện giờ ta nhìn được, sờ được; chỉ cần trông thấy cô thôi thì trong lòng đã vui lắm rồi.

Chu Vi cảm thấy xao xuyến cõi lòng, kéo lấy cánh tay Nhạc Chi Dương rồi tựa đầu lên vai của gã, thỏ thẻ bảo:

- Ta cũng vậy!

Hai người tay nắm bàn tay nhìn nhau mỉm cười, cùng sóng vai dạo bước xuôi theo bờ sông Tần Hoài. Chẳng bao lâu họ đã đến trước miếu Phu Tử, tiếc rằng ban ngày không có những màn tạp kỹ hoa đăng, lại thiếu đi các món ăn vặt tiêu khiển, Nhạc Chi Dương đành phải vừa kể vừa khoa tay múa chân, chỉ trỏ nơi nào bán tò he, tượng bột, nơi nào diễn xiếc mãi nghệ, gã lần lượt miêu tả lại hết một lượt cho Chu Vi nghe. Lần kể này khác với hồi ở trong cung, Chu Vi đích thân trải nghiệm, nghe qua lời tường thuật của Nhạc Chi Dương, vẻ nhiệt náo của buổi chợ đêm ấy dường như đang hiển hiện trước mắt. Thế nhưng nghĩ lại, lần này hồi cung cô sẽ không bao giờ được trông thấy những cảnh tượng như vậy nữa, mà kể cả sau này có chứng kiến, chỉ e người đi bên cạnh cô cũng không còn là Nhạc Chi Dương.

Chu Vi càng nghĩ càng xót xa, ngón tay khẽ siết mạnh lấy bàn tay của người con trai kề bên. Nhạc Chi Dương như cảm nhận thấy sự lạ liền quay đầu nhìn sang, khóe mi của thiếu nữ đã ửng đỏ, đôi tròng mắt nhạt nhòa đi bởi một lớp sương mờ ảo che phủ. Trái tim Nhạc Chi Dương như bị kim đâm đau nhói, gã miễn cưỡng cười gượng, giơ tay lau nước mắt cho cô, nhủ giọng:

- Khóc gì chứ, cô trở về luyện võ công cho thiệt giỏi, khi đó có thể vượt nóc trèo tường, đêm xuống lại len lén xuất cung, chúng ta chẳng phải có thể gặp nhau hay sao?

Chu Vi nghe thấy trong lòng xao xuyến không thôi, cô không ngại nguy hiểm, chỉ thấy việc này khó khăn muôn trùng, đành thở dài mà rằng:

- Khinh công luyện đến mức có thể ra vào cung cấm ít nhất cũng phải mất ba đến năm năm, tới khi đó ai biết được tình cảnh sẽ như thế nào? Biết đâu chừng ngươi đã lập gia đình, yên ấm bên vợ con, còn có thể thủng thẳng dạo bến Tần Hoài cùng ta ư?

Nhạc Chi Dương trước nay là kẻ vô tư lự, chỉ tính chuyện vui trước mắt chứ có lo xa đến tương lai bao giờ, nghe Chu Vi nói vậy liền thuận miệng:

- Ta thích tự do thoải mái, lập gia đình làm gì cho mệt?

Gã thấy sắc mặt Chu Vi buồn bã, đang muốn nghĩ cách chọc cho vô vui, nhìn quanh ngó quất, bất chợt hai mắt sáng lên, gã kéo tiểu công chúa chạy nhanh đến phía trước một quầy bán tượng đất Vô Tích(*), đề nghị:

- Như vầy đi, chúng ta làm hai pho tượng đất, một cái nặn hình cô, một cái nặn hình ta, khi nào cảm thấy nhớ thì lấy tượng đất ra nhìn cũng đỡ.

(ND chú: tượng đất Huệ Sơn vùng Giang Tô, Vô Tích là mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng bậc nhất từ xưa đến nay)

Chu Vi vừa rầu lòng vừa tức cười, liếc mắt nhìn gã nghĩ thầm: "Tượng đất so làm sao với người thật chứ?" Cô chợt thấy Nhạc Chi Dương đang loay hoay lục tay khắp người, vẻ mặt hết sức lúng túng, lập tức hiểu ra chỗ khó xử của gã. Cô cho tay vào túi lấy ra một thỏi vàng lớn, mỉm cười:

- Bà ơi, bao nhiêu tiền một tượng vậy?

Bà lão nặn tượng đất nhìn chăm chăm thỏi vàng ấy, tròng mắt thiếu điều muốn lọt ra ngoài. Nhạc Chi Dương giơ tay cản Chu Vi lại bảo:

- Ta biết, năm đồng một cái, hai cái là mười đồng, bà chủ còn ngây ra đó làm gì, mau thối tiền lại đi!

Bà lão cười khổ:

- Cậu trẻ đùa già à? Thỏi vàng này ít nhất cũng được năm lạng, trị giá hơn trăm lượng bạc, dốc hết tài sản của già đây cũng còn chưa đủ bù vào phần lẻ.

Bà lão quan sát hai người, bất chợt mỉm cười:

- Già sống từng tuổi này đã thấy qua vô khối người, nhưng nhân vật khôi ngô xinh đẹp như hai vị đây thì trong vạn người cũng khó tìm được, khéo thế nào hôm nay lại gặp được một cặp, quả là vận may hiếm có. Nếu như già đây không nhìn nhầm, vị áo vàng này hẳn là một cô gái nhỉ?

Hai người thầm giật mình. Bà lão thấy sắc mặt họ như vậy biết mình đã đoán không sai, cười bảo:

- Cô cậu chớ ngạc nhiên, nếu muốn làm tượng cho ai đó thì trước hết phải quan sát hình dáng, ngó phong thái, nắm bắt được tinh thần mới có thể cho ra sản phẩm giống y đúc được. Cô nương dù cải nam trang nhưng đầu mày khóe mắt vẫn lộ ra nét duyên dáng yêu kiều, dáng vẻ đặc trưng của con gái ấy có muốn giấu cũng không giấu được đâu.

Bà lão ngừng một chút, lại nói tiếp:

- Đây là mối hàng đầu tiên trong ngày của già, hai cô cậu đã không ngại ghé xem, già cũng mong buôn bán trót lọt, thôi thì chẳng cần tiền bạc, già tặng không cho hai vị đôi tượng đất vậy!

Nhạc Chi Dương bật cười:

- Sao bà không nói sớm còn luyên thuyên như vậy làm gì. Mau nặn đi, nặn đi, thời gian của bọn ta không còn nhiều nữa!

Bà lão liếc mắt nhìn Nhạc Chi Dương, cười bảo:

- Cậu trẻ quả là thẳng thắn.

Vừa nói bà lão vừa bắt đầu nắn tượng. Ngón tay bà khéo léo, nhào lật như bay, chẳng bao lâu sau hai pho tượng đất đã thành hình tuy rằng chưa giống lắm với nguyên mẫu. Bức tượng Chu Vi nặn theo dáng dấp một người con gái, tiếp đó được bút màu tô vẽ lên, chỉ chốc lát một đôi tượng đất đã đứng liền vai, nam tuấn tú, nữ mỹ miều, nụ cười rạng rỡ, hình dáng giống hệt như hai người đang đứng trước kệ hàng.

Chu Vi nhấc lấy tượng đất, vừa vui mừng vừa ngạc nhiên, xoay tới xoay lui ngắm nghía, bà lão vội nói:

- Đất ẩm còn chưa khô, hãy nhẹ tay một chút kẻo hỏng đấy!

Chu Vi mỉm cười, đặt thỏi vàng lên kệ hàng:

- Bà ơi, không cần thối lại đâu.

Rồi không đợi cho bà lão kịp trả lời, cô kéo lấy tay Nhạc Chi Dương chạy vụt đi xa. Nhạc Chi Dương hậm hực:

- Thỏi vàng bự như vậy, chả phải có lời cho bà ta quá à?

Chu Vi mỉm cười:

- Hai pho tượng đất này đáng giá nghìn vàng đấy. Trong cung của ta cũng có không ít tượng đất nhưng chẳng cái nào bì được với hai pho tượng này đâu.

Nhạc Chi Dương liếc mắt nhìn cô, chép miệng:

- Ta quên mất, cô là công chúa Đại Minh, cả thiên hạ này đều là của nhà cô, một thoi vàng thì bõ bèn gì nhỉ?

Gã nói đến đây, chợt thấy Chu Vi u uẩn không vui, bèn chữa lời:

- Ta nói bậy rồi! À phải, cô có muốn xem Linh Đạo Thạch Ngư hay không?

Chu Vi nghe thấy câu này liền quên cả buồn bực, cười tươi rói:

- Thạch Ngư là có thật à? Trên lầu trà ta còn ngẫm nghĩ không biết tên lương lẹo nhà ngươi liệu có đang lừa gạt hay không? Nói năng thì có vẻ hợp lý rõ ràng lắm, thật ra toàn là chuyện bịa!

Nhạc Chi Dương bật cười:

- Thạch Ngư đang ở gần đây, ta cũng chưa từng trông thấy lần nào, đột nhiên nhớ ra thôi thì đi xem thử cũng hay!

Gã vừa nói vừa tiến đến gần vườn lê, trông thấy trên cửa có dán niêm phong của phủ Ứng Thiên, đằng trước vắng teo không có lấy một bóng người. Nhạc Chi Dương đoán rằng nhất định đêm đó do có quá nhiều người chết, đánh động đến quan phủ, nên họ mới phong tỏa khuôn viên này lại. Thêm vào khu vườn này bốn mặt là tường bao, không thể đường hoàng bước vào, cho nên gã dẫn Chu Vi đi vòng vào phường hát thông qua con hẻm nhỏ ở phía sau. Trong hẻm vắng tênh, hai người men theo gốc cổ thụ lớn mà nhảy vào bên trong sân vườn.

Băng ghế bên trong nằm ngổn ngang lăn lóc, sân khấu vẫn đổ sập như cũ, những vệt máu lốm đốm trên nền đất đã khô quánh lại thành màu đen, bốn bên cỏ cây um tùm rậm rạp toát ra một vẻ âm u tịch mịch. Chu Vi nhớn nhác hỏi:

- Đây là nơi nào? Sao lại rùng rợn như vậy?

Nhạc Chi Dương trả lời:

- Đêm mà ta vào cung, Trương Thiên Ý đã giết không ít người tại đây!

Chu Vi ồ một tiếng như hiểu ra:

- Đây chính là phường hát mà ngươi từng kể đấy à?

Nhạc Chi Dương gật đầu xác nhận:

- Chính nó!

Gã xác định phương hướng rồi tiến mấy bước về phía Đông Nam, đến bên một góc tường, đoạn quay về phía Chu Vi ngỏ ý muốn mượn bảo kiếm của cô rồi bắt đầu đào xới. Đào sâu độ hơn ba thước rồi mà vẫn chưa thấy gì, Nhạc Chi Dương thầm nghi ngờ: "Lẽ nào Triệu Thế Hùng nói xạo, đến chết còn giở trò bỡn cợn mình?"

Còn đang ngẫm nghĩ, chợt nghe "keng" một tiếng, mũi kiếm chạm vào một vật bằng kim loại. Trái tim Nhạc Chi Dương thót lên, vội vã xới tung bùn đất, đào lên một cái rương được quấn kỹ bằng giấy dầu. Chu Vi đứng bên quan sát cũng cảm thấy hồi hộp không kém. Nhạc Chi Dương nhấc chiếc rương lên, xé mở lớp giấy dầu, chỉ thấy bên trong là một cái rương sắt nhỏ rộng chừng hai thước vuông, trên nắp đã bị khóa kín. Chu Vi đang định tìm chìa khóa thì Nhạc Chi Dương đã vung kiếm xuống chặt đứt đoạn ổ khóa. Mở rương ra, bên trong là lớp ngớp lụa vàng bao bọc dày cộm; dạt bỏ đám vải lót ấy, đập vào mắt hai người là một con cá bằng đá xam xám.

Trông hình dạng của con cá đá này hóa ra là loài cá chép, dài chừng một thước năm tấc, bề ngang hơn tám tấc, vẩy-vây-mang-đuôi hoàn chỉnh đâu ra đấy, đôi tròng mắt cá ngây dại thiếu sức sống. Điều kỳ lạ là trên tròng mắt và vảy cá đều có ghi những dòng chữ nhỏ li ti, nét viết chỉnh chu mạnh mẽ. Nhạc Chi Dương buột miệng lẩm nhẩm:

- Sa kê đà lực sa thức, sa hầu gia lạp lạm...

Chu Vi sốt ruột hỏi:

- Ngươi thầm thì gì đó?

Nhạc Chi Dương đưa Thạch Ngư cho cô, bảo:

- Trên cá có ghi chữ!

Chu Vi đón lấy ngắm nghía, trầm tư một thoáng rồi chợt phì cười:

- Nhạc Chi Dương, ngươi đọc sai bét rồi!

Nhạc Chi Dương cãi:

- Sao lại sai, mấy chữ này ta đều biết cả mà!

Chu Vi lắc đầu nói:

- Không phải là sai chữ mà là thứ tự đọc không đúng! Phải đọc như thế này này!

Cô ngừng một chút rồi bắt đầu nhẩm:

- Sa đà lực, sa thức, kê thức, sa lạp, sa hầu gia lạm, sĩ lực kiến, bàn thiệm, kê thức...

Giọng nói của cô thánh thót êm tai, Nhạc Chi Dương sốt ruột xen ngang:

- Sao nghe là lạ thế nhỉ, có nét gì đó tựa như, tựa như...

Chu Vi mỉm cười:

- Tựa như khúc nhạc phải không?

Nhạc Chi vỗ trán bảo:

- Không sai, đúng là tựa như khúc nhạc!

Chu Vi gật gù bảo:

- Đừng thấy lạ, đây chính là nhạc phổ!

Nhạc Chi đờ người một thoáng rồi cười sằng sặc:

- Cô cứ đùa, nhạc phổ ta từng xem qua cả trăm cả vạn, chả lẽ lại không nhận ra hay sao? Chiếu theo Thập Nhị Luật của Hoàng Đế thì phải là hoàng chung, lâm chung, thái thốc, nam lữ, cô tẩy, ứng chung, nhuy tân, đại lữ, di tắc, giáp chung, vô xạ, trọng lữ. Còn nếu án theo thanh luật ngũ hành thì phải là cung, thương, giốc, chủy, vũ, biến cung, biến chủy! Mấy thứ tầm xàm bá láp này thuộc loại âm luật nào?(*)

(ND chú: chỗ này phải giải thích rõ, theo âm nhạc cổ TQ có: ngũ thanh và thập nhị luật.

- Ngũ thanh gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ tương ứng với Fa, Sol, La, Do, Re. Sau này, Văn Vương thêm hai dây phụ là Biến Cung và Biến Chủy ứng với Mi, Si; thành ra bản âm luật giống với phương Tây.

- Thập Nhị Luật: sách Lã Thị Xuân Thu có ghi Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân chế ra Thập Nhị Luật. Linh Luân đến vùng Đại Hà phía tây Côn Luân, dùng 12 đoạn sáo trúc phỏng theo tiếng kêu của một cặp phượng hoàng, trong đó 6 ống dựa theo tiếng chim trống gọi là lục dương luật (hoàng chung, thái thốc, cô tẩy, nhuy tân, di tắc, vô dịch), 6 ống theo tiếng chim mái là lục âm lữ (lâm chung, nam lữ, ứng chung, đại lữ, giáp chung, trọng lữ). Linh Luân đem 12 ống sáo về dâng Hoàng Đế, sau phổ biến ra dân gian, gọi là Thập Nhị Luật)

- Chẳng trách ngươi không nhận ra! - Chu Vi thở dài một hơi, chăm chú nhìn Thạch Ngư đến xuất thần: - Người nhận biết khúc phổ này trên đời cực kỳ hiếm hoi, trong số người mà ta biết chỉ có anh Thập Thất là có khả năng ấy. Mấy chữ này chính là nhạc phổ không sai, chỉ có điều nó không phải nhạc phổ của Trung Thổ mà thôi!

Nhạc Chi Dương thắc mắc:

- Không phải của Trung Thổ, vậy nó thuộc về nước nào?

Chu Vi nói:

- Nhạc phổ này kêu là Hán phổ Quy Từ, vốn là nhạc phổ thời xa xưa của nước Quy Từ(*), từ khi nước Quy Từ diệt vong, nhạc phổ của họ cũng thất truyền, mà cho dù không thất truyền cũng bị các nhạc sư nổi tiếng đời trước chuyển hóa thành chính âm của Trung Hoa. Thêm vào đó, Hán phổ Quy Từ này có chỗ khác biệt so với nhạc phổ Quy Từ cổ; Quy Từ cổ sử dụng ngôn ngữ Quy Từ, còn ở đây dịch thẳng cách phát âm trong ngôn ngữ Quy Từ sang ngôn ngữ Hán, cho nên nhìn qua thì thấy toàn là chữ Hán cả. Trên Thạch Ngư, những chữ này nằm trên nằm dưới, thẳng ngang nghiêng lệch, không theo thứ tự nào, nếu không am hiểu nhạc phổ Quy Từ cổ thì chắc chắn không biết làm sao phân tách, giống như ngươi vừa nhìn qua ban nãy, đọc lên cứ loạn cào cào, cho dù có toe mắt ra nhìn cũng không thể biết đây chính là nhạc phổ!

(ND chú: Theo Hán thư, Quy Từ hay Khâu Từ là nước lớn nhất trong 16 nước Tây Vực, là một vương quốc Phật Giáo, nay thuộc địa phận Tân Cương, Trung Quốc. Âm nhạc Quy Từ rất phổ biến tại Trung Quốc vào thời nhà Đường, đặc biệt là đàn luýt đã trở nên phổ biến với cái tên tì bà. Đất nước này đã trải qua nhiều phiên thống trị, từ thời Đường cho đến Thổ Phồn, Hồi Cốt... - trích Wiki)

Nhạc Chi Dương vừa ngạc nhiên vừa thán phục, hỏi:

- Vậy sao cô lại nhận ra?

- Cũng nhờ trùng hợp mà thôi! - Chu Vi mỉm cười: - Anh Thập Thất và ta đều là những con nghiện âm nhạc. Ảnh là thân con trai, tiện lợi ra vào cung đình hơn ta, lại là Phiên Vương của nước lớn, tiền bạc rủng rẻng dư xài. Ảnh chẳng những mê mẩn thu gom nhạc cụ cổ đại mà còn thích thú sưu tập nhạc phổ thời xưa, hễ phát hiện ra bản phổ cổ nào là không tiếc vung tiền mua bằng được, dần dà đã tích đầy hai kệ sách cổ khổng lồ. Ảnh biết là ta có cùng sở thích cho nên cứ tìm được một bản phổ cổ là sẽ chép ra một bản sao tặng ta, trong số đó có rất nhiều phiên bản từ các tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Tây Hạ, Mông Cổ, còn có cả văn tự của Bát Tư Ba(*), những thứ này đều không làm khó được chúng ta, duy chỉ có một bản phổ thư cũ kỹ ố vàng, chỉ còn sót lại phân nửa cuốn, ta đọc cách gì cũng không tài nào nhận ra được. Anh Thập Thất hỏi khắp các vị nhạc sư uyên bác cũng không ai biết rõ. Thế nhưng quan sát tranh vẽ đàn tì bà bên trong sách, cho thấy nó rõ ràng xuất xứ từ nước Quy Từ cổ đại, vì thế anh Thập Thất ngờ rằng khúc phổ này có liên quan đến người Quy Từ. Vào thời kỳ Thịnh Đường, âm nhạc của Quy Từ phổ biến khắp Trung Thổ, không một quốc gia nào có thể sánh được. Tiếc thay, ngôn ngữ Quy Từ đã sớm bị thất truyền, bản nhạc phổ này toàn bộ đều là chữ Hán. Anh Thập Thất nghiền ngẫm suốt mấy năm trời mà không thu được kết quả gì, mãi đến năm trước mới xuất hiện bước ngoặc mới.

(ND chú: Bát Tư Ba hay Drogön Chögyal Phagpa (1235–1280) – nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng ở Tây Tạng, đóng vai trò cố vấn chính trị quan trọng cho Hốt Tất Liệt thời Mông Cổ)

Nhạc Chi Dương vội hỏi:

- Tìm ra người biết khúc phổ này à?

Chu Vi lắc đầu:

- Không phải, nhưng ông trời không phụ lòng người, anh Thập Thất tìm ra một bản sách, bản sách này vốn nằm trong cung đình Mông Nguyên, sau khi Mông Nguyên đại bại, nó được hoàng đế triều Nguyên mang ra tái ngoại. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi mốt, đại tướng quân Lam Ngọc đại phá quân Nguyên ở Bộ Ngư Nhi Hải, gom giữ được rất nhiều đồ vật, ngoài kim châu ngọc báu ra còn có một kiện sách vở. Sau khi về hoàng cung, đa số sách vở ông ta đều nộp lại cho triều đình, nhưng không hiểu vì lý do gì ông ta giếm lại một vài quyển, trong đó có một bản sách lạ, từ bìa đến trang sách đều ghi chép bằng loại chữ Hán phổ Quy Từ này, nhưng vì không thể hiểu được, Lam Ngọc cứ đinh ninh rằng mình đang cất giữ một bí mật quan trọng nào đó. Ông ta vốn là một trang võ biền oai vệ nên chẳng thèm để tâm tìm hiểu mà chỉ cất giấu mình ênh trong bí khố của phủ. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi sáu, Lam Ngọc mưu đồ tạo phản, người bị giết sạch, nhà cũng bị tịch biên. Trùng hợp làm sao, anh Thập Thất tham gia thụ lí vụ án này nên mới có được bản phổ thư ấy. Ảnh như bắt được vàng, lập tức mang về phủ nghiên cứu, bất ngờ phát hiện ra ở giữa nêm sách có một mẩu giấy nhỏ thuật lại rõ ràng cách phiên dịch Hán phổ Quy Từ. Việc này vốn là nỗi canh cánh lớn trong lòng hai người bọn ta, anh Thập Thất vừa phát hiện ra lập tức thông báo cho ta ngay đêm hôm đó. Thế nên, ta vừa nhìn thấy mấy chữ này liền nhận ra ngay!

Nhạc Chi Dương thắc mắc:

- Phiên dịch thế nào vậy?

- Kể ra cũng đơn giản! - Chu Vi ngừng lại một chút, lại tiếp: - Nếu không biết cách dịch, một trăm năm cũng đừng mong nghĩ ra. Biết được cách dịch rồi, ta nói một lượt ngươi sẽ hình dung ngay thôi.

Cô ngồi thụp xuống, nhặt lấy một hòn đá nhọn, vừa giảng giải vừa ghi:

- Sa đà lực chính là lâm chung, cung thanh; kê thức là nam lữ, thương thanh; sa thức là ứng chung, giốc thanh; sa hầu gia lạm là từ hoàng chung đến biến chủy thanh của thái thốc; sa lạp là thái thốc, chủy thanh; bàn thiệm là cô tẩy, vũ thanh; sĩ lực kiến là từ trọng lữ đến biến cung của lâm chung, lần lượt dịch lại tự nhiên sẽ trở thành một khúc nhạc!

Nhạc Chi Dương ngây phỗng ra nhìn hàng chữ trên mặt đất, mãi một lúc sau mới thở dài:

- Chả trách nhiều năm qua như vậy vẫn chưa một ai có thể phá giải bí mật của Thạch Ngư. Ấy nhưng, giải được rồi thì sao? Những thứ ghi chép trên Thạch Ngư vốn là nhạc phổ, chẳng chút can hệ gì đến võ công! Con trai của Trương Sĩ Thành chết lãng xẹt, Triệu Thế Hùng chết vô nghĩa, cả đám đạo sĩ của Huyền Thiên quán cũng nằm xuống vô ích.

- Như vậy chẳng phải càng tốt hay sao? - Chu Vi vỗ tay cười: - Võ công là đạo sát nhân, âm nhạc là cách làm người ta vui vẻ, so ra âm nhạc tốt hơn võ công cả trăm lần. Vị tiền bối Linh đạo nhân ấy ắt hẳn là một bậc thầy về âm nhạc, tiếc là ta sinh sau đẻ muộn cả trăm năm không thể gặp gỡ được ông ấy!

- Muốn gặp lão ấy cũng dễ thôi mà!

Một giọng nói chợt đâu vang đến, đặc biệt chói lói trong không gian tĩnh mịch. Hai người đồng loạt bật dậy, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy Trương Thiên Ý mặt mày cười âm hiểm, lách người ra khỏi một tàng cổ thụ cao lớn, trừng mắt nhìn hai người bảo:

- Người chết đều về cõi U Minh, để ta tiễn hai ngươi một đoạn, đến địa phủ U Minh rồi, hai ngươi chẳng phải sẽ được gặp Linh đạo nhân ư?

Chu Vi chỉ cảm thấy tay chân lạnh cóng, lật đật rút trường kiếm ra, thét lên:

- Nhạc Chi Dương, ngươi trốn trước đi!

Nhạc Chi Dương nhíu mày, cao giọng nói:

- Trốn cái gì mà trốn!

Nói đoạn, gã giơ tay ra nắm chặt lấy bàn tay Chu Vi. Chu Vi liếc nhìn gã, chỉ thấy khóe môi gã ngậm cười, hoàn toàn không vương chút sợ sệt, lòng cô phút chốc vừa cảm thấy ngọt ngào vừa cảm thấy sốt ruột, hận không thể hóa thân thành thần tiên, dùng phép dịch chuyển mang gã đi xa thật xa cho rồi.

Trương Thiên Ý không cam lòng để cho Lãnh Huyền lấy được Linh Đạo Thạch Ngư, lại biết rõ Nhạc Chi Dương nói điêu, Thạch Ngư tất nhiên không ở trong Tử Cấm Thành, sớm muộn gì Lãnh Huyền cũng xuất cung đi lấy nó, vì thế hắn một mặt phao tin cho Đông Đảo Tam Tôn đến ngay kinh thành, mặt khác lẩn vào vùng phụ cận của Tử Cấm Thành do thám, một khi thấy Lãnh Huyền rời khỏi cung liền lập tức gởi bồ câu đưa thư báo cho Tam Tôn, xúi giục hai bên đánh nhau một trận, còn mình đứng nép một bên làm ngư ông đắc lợi. Hắn thấy hai người Nhạc Chi Dương nhảy khỏi lầu trà, vốn muốn một mẻ bắt gọn, thế nhưng nghĩ lại chi bằng tương kế tựu kế, cứ để cho bọn họ lấy được Thạch Ngư trước, sau đó mình lại ra tay tước đoạt cũng không muộn.

Nghĩ thế, hắn bèn bám theo hai người từ đằng xa cho đến khi Nhạc Chi Dương đào được Thạch Ngư ra khỏi lòng đất. Chữ viết trên Thạch Ngư, Trương Thiên Ý đã sớm xem qua từ mấy năm trước nhưng lại không hiểu hàm nghĩa bên trong, ban nãy nghe hai người nghị luận, trong lòng hắn sinh ra hiếu kỳ, liền lẳng lặng đứng một bên nghe ngóng. Nghe đến đoạn Chu Vi nói ra lai lịch của mấy chữ này, trong bụng hắn thoạt tiên là nóng hầm hập, sau vỡ ra đó chẳng qua chỉ là một khúc nhạc lại cảm thấy nguội lạnh vô cùng, cứ lúc nóng lúc lạnh trộn lẫn như thế, cuối cùng nhịn hết nổi bèn xông ra giết người đoạt Thạch Ngư.

Trông thấy bộ dáng của hai người lúc này, Trương Thiên Ý bất chợt cười gằn:

- Hóa ra là một đôi uyên ương liền cánh, tuổi nhỏ như vậy mà cũng có tình có nghĩa. Thôi được rồi, nể chút tình nghĩa này, ta sẽ cho bọn ngươi lên đường thật sung sướng!

Chu Vi đang muốn mở miệng mắng trả, thế nhưng cổ họng khô khốc, cô chợt hẩy Nhạc Chi Dương ra, tay bắt kiếm quyết, mỉm cười bày ra tư thế.

- Dịch Tinh Kiếm? - Trương Thiên Ý mặt mày đằng đằng sát khí: - Ngươi cũng là đồ đệ của Tịch Ứng Chân à? Hay lắm, lần trước ta còn chưa so tài xong với Yến Vương, hôm nay lại có thể tiếp tục rồi!

Nói đoạn hắn tuốt kiếm ra. Nhuyễn kiếm của hắn đã bỏ lại Tử Cấm Thành, thanh kiếm này hắn vừa mới mua được, tuy không dễ sử dụng như nhuyễn kiếm nhưng để đối phó với đôi thiếu niên nam nữ này thì vẫn dư sức qua cầu.

Chu Vi từ khi luyện thành kiếm thuật đến nay chưa từng gặp được cao thủ chân chính, nhát thấy Trương Thiên Ý rút kiếm, bất giác cả người run rẩy, tinh thần căng thẳng tột độ, trong bụng niệm thầm yếu quyết của "Dịch Tinh Kiếm", trợn mắt mím môi nhìn đối thủ vẻ như ngây dại đi.

Trương Thiên Ý kinh qua bao trận chiến, vừa quan sát thấy thần thái của Chu Vi, biết ngay cô chỉ là tay mơ vừa xuất đạo. Hắn cười thầm trong bụng, đang muốn ra tay, chợt nghe Nhạc Chi Dương hét lên:

- Từ đã!

Đưa mắt nhìn lại, thằng nhóc nọ không biết từ khi nào đã nắm sẵn một hòn đá trong tay hướng vào Linh Đạo Thạch Ngư, cao giọng quát:

- Trương Thiên Ý, ngươi muốn cá sống hay cá chết?

Cõi lòng Trương Thiên Ý chùng xuống đôi chút, hắn cười lạnh:

- Thế nào là cá sống, cá chết?

Nhạc Chi Dương cười đáp:

- Cá sống là đá còn nguyên vẹn, cá chết chính là một hòn đá vỡ vụn, ngươi mà ra tay ta sẽ đập nát Thạch Ngư, xem như cá chết lưới rách thôi!

Nghe nói đến đây, thù mới hận cũ cùng lúc trào lên trong lòng Trương Thiên Ý, hắn trợn mắt nhướng mày đanh giọng quát:

- Tiểu súc sinh, ngươi dọa ai đấy? Chuyện bịp ta vào cung, ta còn chưa tính sổ với ngươi, hôm nay mà không xẻo thịt ngươi từng kiếm một, ta thề không mang họ Trương!

Nhạc Chi Dương tiện miệng tiếp lời:

- Không họ Trương thì mang họ Nhạc cũng được, ta đây đang thiếu một thằng cháu chắt để bưng bô đấy!

Trương Thiên Ý giận bầm gan tím ruột, Nhạc Chi Dương thì lại không biết chết sống, tiếp tục thao thao:

- Làm cháu chắt của ta thì tên cũng nên sửa lại, hai chữ Thiên Ý không hay, nghe cứ như một tên phản tặc vậy. Í, hay kêu là Vượng Tài đi, vừa may mắn vừa thân thiết. Trương Thiên Ý, à không, Nhạc Vượng Tài, ngươi nói như vậy có được không nào?

Gã chết đến nơi còn cả gan chế nhạo đối thủ, Trương Thiên Ý nghiến răng nghiến lợi, điên tiết đến mức cười gằn lên:

- Tiểu súc sinh, đoán xem kiếm đầu tiên của ta xẻo vào nơi nào của ngươi?

Nhạc Chi Dương cười khì khì:

- Đương nhiên là đầu lưỡi của ông nội nhà ngươi rồi.

Trương Thiên Ý bị gã nói toạc ra tâm tư, tạm thời không thể phản bác, đành nghiến răng cười lạnh, chỉ nghe Nhạc Chi Dương nói tiếp:

- Sao vậy? Nhạc Vượng Tài, ngươi có còn muốn Thạch Ngư hay không? Nếu muốn Thạch Ngư thì thu kiếm về rồi ngoan ngoãn chừa cho ông bà nội nhà ngươi một lối đi!

Chu Vi đang nóng ruột, nghe thấy câu này, chỉ cảm thấy quái quái:

- Ông nội, bà nội là ai?

Nhạc Chi Dương cười tủm tỉm:

- Ta là ông nội, còn cô đương nhiên là bà nội!

Chu Vi vừa giận vừa thẹn:

- Nói xằng, ai... ai là bà nội hắn chứ!

Nhạc Chi Dương mỉm cười, giương mắt nhìn Trương Thiên Ý, bảo:

- Sao nào? Hai tính mạng đổi lấy một viên Thạch Ngư, tính ra ngươi cũng đâu có lỗ!

Mặt mày Trương Thiên Ý tái xanh, thầm nghĩ con gái của Chu Nguyên Chương thì chẳng kể làm gì, còn cái mạng quèn của tên tiểu súc sinh nhà ngươi thì đến cái vảy cá cũng không đáng, dạ bỗng nảy ra ý xấu bèn lên tiếng:

- Thôi được, ngươi đưa Thạch Ngư qua đây, ta sẽ thả các ngươi đi.

- Ngươi lừa con nít hả?

Nhạc Chi Dương giơ hòn đá lên cao hơn:

- Đợi bọn ta rời khỏi phường hát rồi, ra đến đường lớn sẽ đưa nó lại cho ngươi!

Gã vừa nói vừa nghĩ bụng: “Ra đường lớn rồi nói không chừng sẽ chạm mặt Lãnh Huyền, Trương Thiên Ý trông thấy lão thái giám nhất định là cắp đít bỏ chạy.”

Trương Thiên ý xụ mặt suy nghĩ, chợt gật đầu nói:

- Được, cứ làm như vậy đi!

Nhạc Chi Dương không ngờ sự việc lại dễ dàng đến thế, một tay nhấc lấy Thạch Ngư, một tay nắm chặt hòn đá, mỉm cười bảo:

- Vậy bọn ta sẽ đi từ cổng chính, ngươi chớ có đi theo đấy!

Trương Thiên Ý cười trừ không đáp, bất chợt hắn giơ tay lên, hét vang một tiếng:

- Xem châm!

Chu Vi trong lòng lạnh toát, theo ý thức giơ kiếm lên phòng thủ, nào ngờ Trương Thiên Ý giương đông kích tây, một cơn gió ập đến, ánh kiếm nháng lên xỉa thẳng vào yết hầu Nhạc Chi Dương. Chu Vi không quản thân mình, trở tay thọc ra một kiếm, dè đâu Trương Thiên Ý lại giả hư chiêu, hắn lật tay quét kiếm về phía cổ tay Nhạc Chi Dương, định bụng chém rụng cả bàn tay đang cầm Thạch Ngư của gã.

Chu Vi đặt tất cả tâm tư lên trên mũi kiếm, thấy thế không kịp nghĩ ngợi nhiều, kiếm phong cũng theo đó hạ thấp xuống, chỉ nghe một tràng "rổn rảng" vang lên, hai người nhanh chóng trao đổi liên tục sáu chiêu như gió táp mưa sa.

Trương Thiên Ý hoàn toàn bất ngờ, hắn giả vờ tung ra hai chiêu liên tiếp, vốn dĩ đã chắc cú, nào ngờ Chu Vi ra tay sau mà đến sớm, luôn luôn có thể đoán trước mà gạt đi trường kiếm của hắn. Đổi lại là trước đây, Trương Thiên Ý bỏ phòng thủ tập trung tấn công, chỉ cần vài chiêu là có thể công phá màn kiếm của Chu Vi, nhưng ngày đó hắn bị Lãnh Huyền gây thương tích, nội thương vẫn chưa lành lặn, mới múa một vòng kiếm thôi thì ngực đã đau tức âm ĩ. Hắn sợ kích động đến vết thương nên đành tung người nhảy ra, chằm chằm quan sát Chu Vi với vẻ nghi hoặc.

Chu Vi đứng tại nơi đó, cánh tay cứng đờ bất lực, trong đầu là khoảng trống mênh mông, càng không rõ sáu chiêu kiếm vừa rồi cô đã tiếp đỡ như thế nào.

Mình mẩy Nhạc Chi Dương cũng toát mồ hôi lạnh, gã giận dữ quát:

- Trương Thiên Ý, ngươi không muốn Thạch Ngư nữa hay sao?

Trương Thiên Ý hừ lạnh:

- Vừa rồi các ngươi chẳng bảo, chữ viết trên Thạch Ngư chẳng qua chỉ là khúc nhạc thôi sao? Xì, ta cần nó để làm gì chứ?

Nhạc Chi Dương vốn nhanh trí nghĩ ra kế sách dùng Thạch Ngư để bảo toàn tính mạng trong lúc cấp bách, hoàn toàn không ngờ bên trong còn có điều cắc cớ như vậy nên nhất thời ngay ra như phỗng. Trương Thiên Ý điều hòa nhịp thở, lại xốc kiếm xông lên, Chu Vi thoáng ổn định lại tinh thần, nhớ đến ban nãy cô liên tiếp phá giải chiêu thức cay độc của đối phương, đủ thấy kiếm pháp mà sư phụ truyền dạy cho mình là hết sức cao minh. Nghĩ như vậy, cô cảm giác thêm phần tự tin, lại trao đổi thêm mấy chiêu, chỗ kỳ diệu trong Dịch Tinh Kiếm bắt đầu bộc lộ ra.

Chương 4: Linh Đạo Thạch Ngư

Hai người động tác mau lẹ, bóng kiếm xoay mòng mòng, nhớp nhoáng hệt như rắn mổ, mũi kiếm vừa tung đến đã vội thu về đến nỗi không kịp chạm nhau. Trương Thiên Ý càng đấu càng kinh ngạc, thầm nghĩ tương lai con bé này mà học thêm vài chiêu kiếm của Thái Hạo Cốc, luyện cho bản thân kiêm đủ công thủ thì mấy chục năm kiếm thuật của hắn chẳng phải toi công rồi ư?

Trong lòng hắn sốt ruột, bất chấp cả nội thương, dồn chân khí vào trong trường kiếm. Lưỡi kiếm uốn thành hình cung thắt chặt lấy thân kiếm của Chu Vi, hắn quát lớn một tiếng:

- Buông!

Gan bàn tay của Chu Vi đau nhói, trường kiếm theo đó vuột ra khỏi tay.

Trương Thiên Ý cậy vào nội lực thâm hậu, gạt bay trường kiếm của đối thủ. Hắn ra tay không chút nương tình, ánh kiếm trong tay lại nháng lên, đâm về phía ngực Chu Vi.

Nhạc Chi Dương trông thấy thế thì hoảng hốt, vội giơ cao hòn đá rồi ném thật lực về phía Trương Thiên Ý. Trương Thiên ý tuy không e ngại nhưng cũng chẳng muốn để cho gã chọi trúng, vội vã phất chưởng quét ra, hòn đá lập tức bay vèo đi mất. Chu Vi lăn một vòng dưới đất, vừa định đứng dậy, Trương Thiên Ý đã ập đến, giơ kiếm đâm đến trước mặt cô.

- Trúng này!

Nhạc Chi Dương trong lúc nguy ngập liền ném đi cả viên Thạch Ngư trong tay mình. Trương Thiên Ý vốn định xua tay gạt đi, chợt liếc thấy Thạch Ngư, hắn lập tức biến chưởng thành trảo tóm gọn lấy viên đá, lại thấy Chu Vi lật người đứng lên muốn đến nhặt lấy thanh trường kiếm rơi cách đó không xa liền cười gằn một tiếng, hóa thanh kiếm thành một mũi tên phóng thẳng vào giữa lưng Chu Vi.

Mắt thấy một kiếm này sắp sửa ghim Chu Vi chặt xuống nền đất, bên người hắn đột nhiên nghe gió táp vèo vèo như có ám khí phóng đến. Trương Thiên Ý bất giác nghĩ thầm: "Thằng nhóc khiến chết!" Cứ tưởng đâu Nhạc Chi Dương lại ném đá, tay phải của hắn không ngừng lại, còn tay trái tùy ý chộp ra, nào ngờ vừa bắt lấy hòn đá, cảm giác mềm mềm dẻo dẻo, bên trong như có một luồng nội lực ồ ạt xuôi theo lòng bàn tay của hắn mà len lỏi khắp châu thân. Trương Thiên Ý lơ là khinh địch, ngay tức khắc cả người tê dại, hắn liêu xiêu nhảy sang phải, ngay cả bàn tay cầm kiếm cũng bị tác động, mũi kiếm đâm lệch đi, cắm xuống đất sát sạt người Chu Vi.

Chu Vi chỉ cảm thấy mũi kiếm sượt qua thân thể, cả người phát lạnh, lập tức không dám nghĩ ngợi nhiều, giở ra thân pháp của sư môn, tay chân cùng lúc hoạt động, bật người xoay lượn như rồng như rắn, lúc cô ưỡn người đứng lên thì trường kiếm đánh rơi ban nãy cũng đã thu về trong tay. Cô giương mắt nhìn lại, Trương Thiên Ý đang đứng ở đằng xa, trừng trừng nhìn khối đất sét trong lòng bàn tay đến xuất thần. Đang độ ngạc nhiên, chợt nghe tiếng cười khúc khích cất lên, nhướng mắt nhìn kỹ, phía đầu tường có một kẻ đang đứng trên đó, áo quần lam lũ, mái đầu hoa râm, hai tay đang ôm một hòn đất sét lớn màu trắng, vừa phủi tay vừa nheo nheo cười.

- Bà bà!

Chu Vi buột miệng hô to. Hóa ra người vừa xuất hiện chính là bà lão nặn tượng đất ban nãy, lúc này bà như thoát thai hoán cốt, nét mặt rạng ngời, dõng dạc đứng nơi đầu tường cao cao hệt như một cánh phượng tách bầy lẻ loi nhưng tràn đầy kiêu hãnh.

Bà lão mỉm cười ngó Chu Vi, ánh mắt lại dời sang Trương Thiên Ý:

- Thủ đoạn của túc hạ hiểm độc quá, ngay cả một đứa trẻ mà cũng không tha à?

Trương Thiên Ý trợn mày, quát lớn:

- Bà là ai, Trương mỗ làm gì cần bà chõ mũi vào hay sao?

Bà lão nhào nhào nắm đất sét trong tay, miệng cười bảo:

- Nói đúng lắm, già đây chẳng thích làm việc gì trừ việc chõ mũi vào chuyện người khác!

Dứt câu, bà chợt giơ tay lên cao, một luồng ánh sáng trắng lao thẳng đến giữa ngực của Trương Thiên Ý.

Trương Thiên Ý vừa bị ăn hành xong, biết rõ nội kình trong đất sét quái lạ nhường nào, vì thế hắn không dám đỡ trực tiếp mà nhấc kiếm huơ ra, quét trúng vào nắm đất sét đang bay đến. Chỉ nghe "choang" một tiếng, gan bàn tay của hắn nóng rần, trường kiếm thiếu điều muốn tuột khỏi tay. Hắn nhướng mắt lên, bà lão ấy đã rời khỏi tường đáp xuống đất, thong thả bước tới, khối đất sét trắng dẻo quánh trong tay của bà lúc dẹt lúc tròn hệt như một đám bột nhão.

Trương Thiên Ý hét lớn một tiếng, vung kiếm đâm ra. Bà lão chớp mắt mỉm cười, đôi tay chập vào trong, đất sét bỗng thay đổi hình dạng hóa thành một chiếc gậy mềm dài chừng hơn trượng, cuốn theo một trận cuồng phong quấn lên thân kiếm của Trương Thiên Ý.

Một chiêu này thật sự nằm ngoài dự đoán của Trương Thiên Ý, thế kiếm của hắn đã lỡ xuất ra, lúc này lấy làm kinh hãi, lật đật mặc cho kiếm tùy ý lao đi. Nào ngờ đất sét giữ chặt lấy thân kiếm, bên trên còn dẫn theo luồng nội kình triền miên của bà lão. Giữa lúc khẩn cấp, hắn chẳng có cách nào thoát được, còn đang kinh sợ thì một đầu của gậy mềm đã vụt đến hệt như sấm sét. Trường kiếm của Trương Thiên Ý bị khống chế, hắn lại chẳng tiện buông kiếm, đang ngập ngừng thì gậy mềm đã quất bộp một phát trúng vào má trái.

Một gậy này vừa nặng vừa đau, Trương Thiên Ý suýt nữa thì ngất lịm. Nhưng hắn gặp nguy không hoảng loạn, nội lực trên tay phóng ra ngoài đẩy bật luồng nội kình triền miên kia đi, đợi cho nội kình của đối phương rút đi khỏi lại gấp rút thu hồi vào trong cơ thể mình. Giữa lúc thu phóng ấy, hắn đã tranh thủ đoạt kiếm trở về rồi cố gắng nhảy vọt ra đằng sau, chỉ cảm thấy nửa đầu đờ đẫn mất tri giác, miệng mồm thoảng vị ngọt tanh như ngậm vật gì đó cưng cứng bên trong; hắn há miệng nhổ toẹt, hai chiếc răng kèm theo dịch máu bầy nhầy theo đó rơi ra ngoài.

Trương Thiên Ý cảm thấy hoảng sợ, nhủ thầm nếu không nhờ thần công hộ thể, một gậy kia chắc đã đập vỡ đầu hắn rồi. Nhìn bà lão kia lần nữa, gương mặt bà ta vẫn tươi cười, gậy mềm trong tay lại hóa ra một khối đất sét trắng, tiếp tục bị vò nắn trong lòng bàn tay. Trương Thiên Ý nhớ đến tình hình ban nãy, lại quan sát dung mạo bà lão, một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu, buột miệng hỏi:

- Bà... Bà là người đến từ đằng tây à?

- Đằng tây? - Bà lão cười khanh khách nhìn hắn: - Đằng tây nào chứ?

Trương Thiên Ý nổi sùng:

- Ngoại trừ núi Côn Luân ra còn nơi nào nữa?

Bà lão liếc nhìn hắn, gật đầu xác nhận:

- Xem như ngươi cũng có chút kiến thức, Phi Ảnh Thần Kiếm của ngươi được nhà họ Vân chân truyền, ngoài ra còn có Phi Ảnh Tử Kiếm, Kính Hoa, Thủy Nguyệt, Mộng Điệp, Không Huyễn, ngươi lớn từng này tuổi rồi mà sao vẫn giậm chân luẩn quẩn ở tầng thứ nhất vậy?

Trương Thiên Ý mặt mày nóng ran, hắn là đệ tử đích truyền của đảo vương Vân Hư, tiếc thay tính tình nham hiểm, lòng dạ hẹp hòi, cho nên tu vi kiếm đạo chỉ dừng ở "Kính Hoa Kiếm", phần sau khó mà tiến thêm bước nào nữa. Vì lẽ đó, hắn mới quyết tâm tìm ra Linh Đạo Thạch Ngư với mong muốn mở ra một hướng đi mới, hóa giải tình cảnh khốn cùng này.

Câu nói của bà lão đã chạm vào nỗi đau của hắn, Trương Thiên Ý thẹn quá hóa giận, hét lên:

- Đến từ đằng tây thì đã sao? Mau khai tên họ ra, kiếm của Trương mỗ không giết kẻ vô danh!

Bà lão cười bảo:

- Ta họ Thu!

Nói xong im bặt. Trương Thiên ý hai mắt trợn trừng, thất thanh la lên:

- Bà... Bà là Địa Mẫu Thu Đào!

Bà lão gật gù:

- Không ngờ còn có kẻ nhớ đến tên của ta!

Trương Thiên Ý cảm thấy hết sức bối rối, người này là chủ nhân một Bộ, nếu hắn không bị thương có lẽ còn miễn may ứng phó được chút đỉnh, giờ đây nội thương chưa lành, đánh tiếp thì rõ là nguy hiểm khôn lường. Nhưng cung đã lên giàn không thể không bắn, hắn nghiến răng bỏ Thạch Ngư vào trong chéo áo, giương kiếm lên cười khanh khách:

- Đông Đảo Trương Thiên Ý xin thỉnh giáo cao chiêu của Địa Mẫu!

Thu Đào để lộ tên tuổi cốt muốn cho hắn biết khó mà lui, nào ngờ kẻ này tính tình ngu dốt, cố chấp đến cùng, bà ngán ngẫm thở dài:

- Nói hay lắm!

Trương Thiên Ý bày ra kiếm quyết, bất động không ra tay; Thu Đào thì chỉ lo vân vê hòn đất sét, chẳng thèm liếc mắt đến hắn. Nhạc Chi Dương và Chu Vi đứng xem một bên, trống ngực cả hai đều đập thình thịch. Nhạc Chi Dương giật giật ống tay áo Chu Vi, ra hiệu nên thừa cơ đào tẩu, Chu Vi lại lắc lắc đầu, siết chặt trường kiếm đứng yên không nhúc nhích. Nhạc Chi Dương ngẫm nghĩ rồi chợt đoán ra, Thu Đào vì hai người mà lộ diện, nếu chuồn đi như vậy chẳng phải là không có tí nghĩa khí nào ư? Nhưng nói đi nói lại, kiếm thuật của Chu Vi không tầm thường còn có thể trợ giúp được một tay, bản thân gã cứ đứng đực ra ở đây thì quả là một tấm bia hứng kiếm lý tưởng.

Gã từng chính mắt trông thấy Trương Thiên Ý giết người, vì vậy đối với kẻ này hết sức ái ngại, thêm vào việc trở lại cái nơi rùng rợn thế này, nghĩ đến cảnh người chết la liệt ở đây, nhất định sẽ lẩn khuất không ít oan hồn lệ quỷ. Nghĩ thế, sống lưng gã trở nên lạnh toát, bèn đưa mắt dáo dát dòm xung quanh nhưng không gian vẫn một mực im lìm vắng vẻ, nhờ đó bụng dạ gã mới dần vững tâm hơn, thầm nghĩ mọi người nơi đây đều bị tên quỷ đòi nợ kia tàn sát, nếu thật sự có ma quỷ quấy phá thì cũng nên đi tìm Trương Thiên Ý mà báo oán, canh ngay lúc hắn giao thủ, đẩy lệch đi mũi kiếm của hắn, bắt hắn ăn no đòn mà chẳng thể nào chống cự lại.

Đang rủa xả trong đầu, gã chợt nghe Trương Thiên Ý khẽ hừ một tiếng, trường kiếm xuyên qua không khí đâm ra loác xoác sáu kiếm. Thu Đào chả buồn ngẩng đầu lên, thân thể như hoa mềm liễu yếu, ung dung tránh khỏi lưỡi kiếm, eo lưng mềm mại, bước chân uyển chuyển, căn bản là không giống như một bà lão đã ngoài năm chục tuổi. Mớ đất sét trong tay lại lặng lẽ biến hóa thành một chiếc gậy mềm tựa như rắn thần, lúc tấn công thoắt đầu thoắt đuôi luân phiên ứng đối, chốc chốc lại ra đòn bất ngờ. Lúc thì đầu gậy chậm rãi, rụt rè không tấn công, đuôi gậy lại như sấm giăng chớp giật, nhanh đến mức không trông rõ hình dáng; lúc thì đuôi gậy thụ động như một chú rắn con biếng nhát rụt rè, nhưng đầu gậy thì lại bừng bừng sôi sục, duỗi ra nhanh như chớp. Trương Thiên Ý hết sức e sợ luồng kình lực ếm trên đất sét, trường kiếm vừa đâm đến liền rút đi không dám va chạm cùng chiếc gậy mềm ấy.

Bà lão từng bước một dồn ép Trương Thiên Ý, chân khí dồn vào trong đất sét, khối đất ấy càng lúc càng phình ra, thoáng chốc hóa thành một cây thương ngắn màu trắng, thoáng sau lại biến ra một thanh nhuyễn kiếm phủ sương. Trương Thiên Ý thấy bà lão giở ra kiếm pháp, trong bụng cười thầm, trộm nghĩ bà già đúng là múa rìu qua mắt thợ, dám đấu kiếm với mình chẳng khác nào chuốc nhục vào thân. Hắn đang tập trung hóa giải kiếm pháp, thình lình nhuyễn kiếm hóa dài, biến thành một quả chùy to cỡ trái dưa hấu bay xẹt đến, kéo theo sau là một chuỗi xích dài ngoằn. Lạ ở chỗ sợi xích bằng đất ấy liền lạc mềm dai hệt như bên trong có luồn vào một cọng dây thừng vậy.

Biến hóa hết sức đột ngột, Trương Thiên Ý ứng phó không kịp, quả chùy đất đã bay vòng trở lại quất mạnh vào sống lưng của hắn. Trương Thiên Ý chỉ cảm thấy một cơn đau thấu buốt qua ngực, ngụm máu tươi chực tràn lên nơi cổ họng. Hắn cố gắng nhẫn nhịn, huơ kiếm chặt về phía sợi thừng đất, ngờ đâu đất sét co lại cực nhanh, lưỡi kiếm lướt sượt qua chỉ cắt được một mảnh to cỡ bàn tay. Hắn trố mắt nhìn theo, khối đất sét rút về trong tay cùa bà lão bỗng hóa thành một cây gậy mềm hình đuôi hổ, nửa nhanh nửa chậm đập bổ lên đầu hắn.

Trương Thiên Ý cố sức nhảy đi, nhưng chỉ kịp tránh phần đầu, bả vai không thoát được liền ăn trúng một gậy, tức thì đau đến thấu xương cốt. Trương Thiên Ý lần này hết chịu nổi, một bún máu tươi phun vèo ra khỏi miệng. Thu Đào thấy hắn ói máu thì khẽ ngây ra rồi kêu lên:

- Ôi chao, nhà ngươi bị thương à?

Trương Thiên Ý thầm nghĩ nếu còn nấn ná lại thì hôm nay khó mà toàn mạng, trong lúc khẩn cấp bèn vung tay lên, Dạ Vũ Thần Châm liền xuất hiện trên đầu ngón tay. Sau trận chiến ở Tử Cấm Thành, số kim châm của hắn còn lại không nhiều, vì vậy nếu không phải cùng cực bất đắc dĩ thì hắn nhất quyết không dễ dàng tung ra, bằng không thì Chu Vi và Nhạc Chi Dương sớm đã trúng phải độc thủ của hắn. Lúc này đây, tính mạng của hắn bị đe dọa, trường kiếm nơi tay phải chớp lên, Thu Đào định vung gậy ngăn cản, bất chợt tay trái Trương Thiên Ý giơ cao, kim châm hóa thành một màn mưa bắn vèo vèo về phía đối thủ.

Chu Vi đứng bên trông thấy thế, trái tim muốn tọt lên khỏi cổ họng. Nói thì chậm, khi ấy sự việc diễn ra rất nhanh, đất sét trong tay Thu Đào biến hóa, ngay lập tức nở ra thành một tấm khiên hình dạng như bánh đa, kim châm bắn líu chíu vào trong tấm khiên ấy đều bị đất sét nhốt chặt lại.

Trương Thiên Ý cũng không trông mong gì đắc thủ, vì thế hắn vừa bắn châm xong thân thể vội rút về sau, chớp mắt đã xông đến bên Chu Vi. Chu Vi chỉ lo để ý an nguy của Thu Đào, vốn dĩ quên mất cảnh giới cho bản thân. Lúc này Trương Thiên Ý tiến sát đến gần, cô mới giật mình nhận ra, mắt thấy ánh kiếm ập vào mặt, theo ý thức liền nhảy về sau, hai chân còn chưa đứng vững chợt nghe tiếng kêu thảng thốt phát ra từ phía Nhạc Chi Dương.

Chu Vi nghe tiếng kêu ấy thì rung bắn người, mặt cắt không còn hột máu. Cô đưa mắt nhìn sang, Nhạc Chi Dương đang bị Trương Thiên Ý bóp chặt lấy cần cổ rồi xách lên khiến cho hai mắt gã trợn trừng, lưỡi thè ra ngoài.

Hóa ra Trương Thiên Ý đâm kiếm về phía Chu Vi cũng là hư chiêu, trước sau hắn tung ra hai chiêu giả liên tục cốt chỉ muốn bắt cho bằng được Nhạc Chi Dương, đơn giản là vì trong ba người ấy, Nhạc Chi Dương là kẻ dễ đối phó nhất, cho nên trước tiên hắn ép cho Thu Đào dựng khiêng phòng thủ, sau đó chĩa kiếm bức lùi Chu Vi, cô vừa lui đi thì Nhạc Chi Dương sẽ tức khắc bị cô lập, Trương Thiên Ý nhẹ nhàng vung tay chộp ra liền tóm ngay được gã.

Thu Đào rút tấm khiên đất về rồi biến ra gậy mềm như trước, nội kình vừa truyền đến, kim châm lần lượt bị dồn lên đầu gậy, từng mũi nhọn tua tủa đâm ra ngoài trở thành một thanh lang nha bổng mềm mại. Nhưng cho dù có vũ khí lợi hại trong tay, Thu Đào vẫn hết sức ngập ngừng, ánh mắt lấp lánh chăm chú nhìn Trương Thiên Ý. Chu Vi thì mặt mày xám ngoét, thân hình lảo đảo như chỉ cần chạm nhẹ vào thôi cũng có thể ngã quỵ.

- Địa Mẫu thần thông, Trương mỗ đã bội phục rồi! - Trương Thiên Ý ho khan hai tiếng, khóe miệng lại ứa ra dòng máu: - Theo như ta biết, quý Bộ lấy từ bi làm chủ trương, nhất định không lạm sát người vô tội, Địa Mẫu nương nương thân lại là chủ của một Bộ thiết nghĩ cũng sẽ không ngoại lệ đâu nhỉ!

Thu Đào nhíu mày không đáp, Trương Thiên Ý vừa nói vừa rút lui, dần dần đã tiến sát đến bên góc tường. Chu Vi cũng không còn kiên nhẫn nữa, cô tung người xông đến, giơ kiếm muốn đâm ra. Trương Thiên Ý mỉm cười, nắm lấy lưng áo Nhạc Chi Dương giơ trái lắc phải, bất kể Chu Vi xuất kiếm thế nào, mũi kiếm cũng đều chĩa vào người thiếu niên. Chu Vi vừa đâm kiếm đến lại gấp rút thu về, lòng dạ càng thêm quýnh quáng, vành mắt dần dần đỏ lựng, nhưng cô nhất quyết không chịu bỏ cuộc, chỉ đành cắn chặt răng liều mạng xuất kiếm, mong muốn tìm ra sơ hở để mà đâm trúng Trương Thiên Ý ở đằng sau.

Đôi tay của Trương Thiên Ý chuyển động nhưng hai mắt thì không hề chớp, trước sau vẫn ngó lom lom Thu Đào. Bỗng thấy lão bà ấy như có tâm tư, khối đất sét trong tay dần dần rũ xuống rồi đặt sát mặt đất. Trương Thiên Ý trong lòng chột dạ, bất ngờ bước lùi về sau, bật người nhảy lên cao, trường kiếm đâm xuyên vào vách tường, thân thể đột ngột phóng vụt lên. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tại mặt đất nơi hắn vừa đứng, đất sét chợt đùn lên hệt như rồng rắn uốn lượn, men dần đến tận góc tường, một vết nứt chẳng rõ từ đâu thuận theo vách xẻ dọc lên đến đầu tường. Lúc này, Trương Thiên Ý vừa nhún người lên cao, thoáng cái đã vượt qua bờ tường rồi rơi tọt vào con hẻm ở đằng sau.

"Chu Lưu Thổ Kình" của Thu Đào có thể theo đất sét mà chuyển phát, vốn muốn ra tay bất ngờ để khống chế đối phương từ bên dưới lòng đất, ngờ đâu Trương Thiên Ý hết sức lanh lẹ, không đợi cho kình lực ập đến đã vượt tường bỏ trốn ngay lập tức. Thu Đào dùng "Khôn Nguyên" tấn công từ xa nên chẳng có cách nào đuổi theo kịp, trong lòng vô cùng rầu rĩ.

Chu Vi giặm chân một cái, nhảy vọt lên đầu tường, chỉ thấy ngõ nhỏ sâu hun hút, chẳng rõ Trương Thiên Ý đã đi về phương nào. Cô vội vã rời khỏi con hẻm, chạy đến trước miếu Phu Tử, ngoảnh đầu nhìn bốn phía chỉ thấy nam thanh nữ tú quần là áo lượt dập dìu trên đường, nhưng ngóng mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng Nhạc Chi Dương nơi đâu.

Chu Vi sống mũi cay cay, nước mắt giàn dụa, cô xông vào giữa đoàn người xô trái dạt phải, thảng thốt gọi to ba chữ "Nhạc Chi Dương" như phát cuồng. Hiềm nỗi cô mặc trang phục đàn ông, giọng nói hết sức quyến rũ, khiến cho người đi đường nghe thấy không khỏi ghé mắt dõi theo.

Chu Vi chạy đến bờ sông Tần Hoài thì mặt mày đã đẫm lệ, dòng nước xào xạt nơi xa hắt bóng vô số đình đài lầu gác trên mặt sông; thuyền bè ngược xuôi mỗi lúc một nhiều, chốc chốc lại vọng đến tiếng đàn tiếng sáo. Nghe thấy tiếng sáo, Chu Vi run bắn cả người, khẩn thiết nhìn về phía đám thuyền bè ấy, cô biết rõ người thổi sáo chẳng phải là Nhạc Chi Dương nhưng trong đáy lòng cô lại luôn mong mỏi điều kì tích xảy đến. Cô thét gọi về phía đám thuyền bè, tiếng kêu thê lương thảm thiết, dọa cho đám kỹ nữ và khách làng chơi trong các con thuyền ấy lần lượt ló đầu nhìn ra.

Chu Vi tuyệt vọng cùng cực, hai chân mềm nhũn, ngã gục xuống bến Tần Hoài. Nghĩ đến lần này Nhạc Chi Dương lành ít dữ nhiều, cô vừa thẹn vừa hận, hận không thể chết quách đi cho xong. Thiếu nữ hai tay bưng mặt, không ngừng nghẹn ngào khóc nấc. Đang lúc thổn thức, có ai đó bỗng vỗ lên đầu vai của cô, cô vội nhảy lên la lớn:

- Nhạc Chi Dương...

Đến khi nhìn rõ lại, Lãnh Huyền nửa người đầm đìa máu, đang đứng đực ra ở đằng sau cô.

- Lãnh công công! - Trong lòng nhen nhóm lên một tia hy vọng, Chu Vi nắm chặt lấy lão hét lên: - Ông mau đi cứu Nhạc Chi Dương đi... Chàng... Chàng bị Trương Thiên Ý bắt đi mất rồi...

Nói chưa dứt lời, cổ tay Chu Vi chợt bị siết mạnh, Lãnh Huyền bấu lấy mạch môn của cô, trầm giọng giục:

- Mau trở về cung kẻo không kịp!

Chu Vi vừa ngạc nhiên vừa giận dữ, giãy nẩy hét lên:

- Lãnh công công, ta không về đâu, Nhạc Chi Dương chàng...

Một luồng khí l

/26